Ngộ độc thực phẩm và các biện pháp phòng tránh
Thực phẩm luôn có một ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người, sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh, không an toàn đều có thể bị ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn và các biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người trong xã hội.
anh tin bai

 

Ngộ độc thực phẩm (ngộ độc thức ăn hay trúng thực) là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống và cũng là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... nó cũng có thể coi là bệnh truyền qua thực phẩmvà là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe (có thể dẫn đến tử vong) mà còn khiến tinh thần con người mệt mỏi.

1. Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa:

Nguyên nhân gây ngộ độc rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính sau:

a. Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng:

Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn; do virus; do ký sinh trùng; do nấm mốc và nấm men.

=> Để đề phòng dạng ngộ độc thực phẩm này nên chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ….

b. Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu:

Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…..). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.

=> Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là không sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng (vỏ đồ hộp…)… so với ban đầu.

c. Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc:

Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như cá nóc, cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu….

=> Cách phòng ngừa tốt nhất là không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.

d. Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học:

Do ô nhiễm kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ.

=> Việc phòng ngừa dạng ngộ độc này rất phức tạp do các dấu hiệu nhận biết rất phức tạp và tiềm ẩn trong thực phẩm mà khó đánh giá, phát hiện bằng mắt thường. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là chọn mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín, mở vung khi đun nấu…

Ngoài ra cần kết hợp các biện pháp quản lý mang tính vĩ mô về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, các loại phụ gia thực phẩm, chất bảo quản….

2. Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn:

Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC.

3. Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm:

Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.

- Gây nôn:

Đối với những người có triệu chứng nôn mửa ngay sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm độc, hoặc người còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc, cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích để nôn hết những thức ăn ra khỏi dạ dày.

Có thể dùng ngón trỏ (đã được rửa sạch) để ép vào góc lưỡi người bệnh.

Hoặc pha nước muối hòa tan trong nước ấm để kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt, hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể người.

Trong quá trình gây nôn cần chú ý:

Khi kích thích người bệnh nôn, nên để người bệnh nằm nghiêng, kê cao phần đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ tử vong do sặc hoặc ngạt thở.

Đối với trẻ em, cần khéo léo tránh gây xước cổ họng trẻ.

Có thể giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, thậm chí giữ cả những mẫu thức ăn người bệnh vừa nôn để có thể xác định chính xác nguyên nhân.

- Bù nước:

Người bị ngộ độc thực phẩm có thể nôn và tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước, do đó cần cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi.

Có thể bù nước cho người bệnh bằng dung dịch oresol được pha theo chỉ dẫn.

Nếu sử dụng dung dịch oresol phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, dùng đúng liều lượng chỉ định như không pha quá ít hoặc quá nhiều nước, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch...

Nếu nhiều người ngộ độc thức ăn cùng một lúc cần chia dung dịch oresol riêng biệt, không cho uống chung vì có thể khiến tình trạng của những người ngộ độc nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn.

- Trường hợp người bệnh có những triệu chứng bất thường như co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp không được gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

- Kể cả khi đã thực hiện các bước sơ cứu kể trên, người bệnh vẫn có nguy cơ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.

4. Biến chứng

Ngộ độc thức ăn (ngộ độc thực phẩm) nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

- Rối loạn thần kinh: Nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, có thể nói ngọng; bị tê liệt cơ, gặp tình trạng co giật, đau đầu, chóng mặt.

- Rối loạn tim mạch: Có thể tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực.

- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Thấy máu và chất nhầy lẫn trong phân, đau bụng dữ dội và đau ở các vị trí khác như đau cổ, đau họng, đau ngực.

- Sức đề kháng giảm sút: Sức đề kháng của người bị ngộ độc suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người lớn tuổi hoặc những người đang điều trị bệnh phải sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch (đối với các bệnh lý về khớp, ung thư, dị ứng). Người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố... thì tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn.

5. Phòng ngừa

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi.

5.1 Lựa chọn

- Chọn thực phẩm có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). 

- Thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá cần chọn món giữ nguyên màu sắc và trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ.

- Đồ ăn nguội như giò, nem, chả, xúc xích, phô mai, giăm bông, đồ hộp... phải được bảo quản lạnh. Không mua đồ hộp có vết nứt, có mùi chua, không nhãn mác.

- Lựa chọn thực phẩm tươi sống.

5.2 Bảo quản

- Ở nhiệt độ bình thường, thực phẩm tươi dễ bị ôi thiu, mất dinh dưỡng. Để đồ ăn tươi ngon, bạn nên sắp đồ đông lạnh xếp vào ngăn đá, rau để ngăn mát. Đồ đông lạnh như thịt, tôm để vào ngăn đá, chia thành những phần nhỏ theo lượng ăn mỗi bữa, ăn đến đâu lấy đến đó, thời gian sử dụng trong vòng 14-30 ngày.

- Không cần rửa ngay rau củ khi mua về mà lấy giấy bảo quản, gói lại và đặt trong khay đựng. Không buộc kín trong bao nylon sẽ có nước đọng làm cho rau quả dễ héo, thối. Rau quả có thể bảo quản trong tủ lạnh 3- 4 ngày, nhưng tốt nhất sử dụng trong ngày.

- Không xếp thực phẩm quá đầy trong tủ lạnh khiến đồ ăn nhanh hỏng hơn. Rã đông đúng cách.

- Thực phẩm sống và chín cần để riêng biệt để tránh nhiễm khuẩn.

- Tất cả thực phẩm khi bảo quản đều cần được bao bọc hay chứa đựng bằng túi hay gói kín.

5.3 Chế biến

- Rau quả ăn sống trước khi ăn cần ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo nước, gọt bỏ vỏ.

- Thực phẩm tươi sống trước khi chế biến cần được sơ chế, loại bỏ phần thừa, rửa bằng nước sạch rồi mới cắt miếng để tránh giảm hoặc mất chất dinh dưỡng.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, dụng cụ, nơi chế biến, lưu trữ hay bảo quản thực phẩm. Các dụng cụ như dao, thớt cần phân biệt riêng cho thực phẩm sống - chín.

- Thức ăn nên được chế biến với số lượng vừa phải, tránh đun nấu lại nhiều lần. 

 

Tác giả: ThS. Lại Thị Thu Hương - TTYT SôngMã (N)
Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang