ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG NĂM 2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

SỞ TƯ PHÁP

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN LUẬT THI ĐUA

KHEN THƯỞNG NĂM 2022

 

Ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 32/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có bố cục gồm 8 Chương, 96 Điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG NĂM 2022

Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004. Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây gọi tắt là Luật) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013. Sau 13 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh những tích cực, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn:

1.  Về tổ chức triển khai các phong trào thi đua

-  Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua chưa đồng đều ở các vùng miền và các thành phần kinh tế (đặc biệt vùng nông thôn, địa bàn dân cư, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được quan tâm chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua). Một số nơi phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; chưa gắn kết thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị; nội dung, tiêu chí thi đua chưa cụ thể, chưa gắn với lợi ích của người lao động; chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ để khen thưởng.

- Quy định một số danh hiệu thi đua chưa bao quát hết các phong trào từ cơ sở; một số quy định về thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng còn thể hiện sự bất cập, không hợp lý; quy định tiêu chuẩn của một số danh hiệu thi đua chưa phù hợp; căn cứ để xét tặng là sáng kiến cũng chưa rõ ràng khó thực hiện.

2. Về công tác khen thưởng

- Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định của Luật chủ yếu tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động, công tác qua các thời kỳ, Luật hiện hành chưa bao quát, cụ thể đối tượng đông đảo quần chúng trong cả nước (công nhân, nông dân, trí thức…). Các quy định về tiêu chuẩn còn chung chung, chưa cụ thể, định tính, chưa định lượng, phải điều chỉnh bằng nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn; do đó các văn bản quy phạm thường xuyên phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 đã có quy định điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng cho nông dân, người lao động trực tiếp; nhưng hiện nay trong quá trình tổ chức thực hiện còn lung túng vì những khu vực, vùng miền khác nhau, điều kiện khác nhau nên khó thực hiện, do vậy việc khen thưởng vẫn tập trung nhiều vào cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức.

- Luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo Luật thì lại mang tính niên hạn, cộng dồn thành tích, trình tự từ thấp đến cao dẫn đến việc hiểu khen thưởng lần sau bao giờ cũng phải cao hơn lần trước, do đó xu hướng dồn lên các hình thức khen thưởng cấp bộ và cấp Nhà nước; khen thưởng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý; khen thưởng tập thể nhỏ và lao động trực tiếp còn hạn chế. Ngoài ra, quy định khen thưởng cấp cao là phải đạt thành tích liên tục, nếu bị gián đoạn thì phải bắt đầu lại từ đầu, điều này không chỉ mang tính cộng dồn thành tích theo thâm niên mà còn làm giảm tính phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân (hình thức này chỉ phù hợp với khen thưởng theo niên hạn đối với lãnh đạo hoặc đối với lực lượng vũ trang theo quy định hiện hành).

- Một số quy định về thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Luật chưa quy định về quy trình thủ tục, hồ sơ khen thưởng thông qua phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc để khen thưởng.

- Luật quy định nhiều hình thức khen thưởng cấp nhà nước (hiện có 26 hình thức khen thưởng với 42 cấp độ khen thưởng). Thẩm quyền khen thưởng của Chủ tịch nước gồm: Huân chương 10 loại, Huy chương 04 loại, Danh hiệu vinh dự Nhà nước 08 loại và 02 loại giải thưởng. Thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: Cờ thi đua của Chính phủ, danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra có các hình thức khen thưởng khác thuộc thẩm quyền của các cấp, các ngành…. Trên thực tế từ khi thực hiện Luật đến nay tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, số lượng khen thưởng nhiều nhất tập trung chủ yếu vào khen niên hạn trong lực lượng vũ trang.

II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022

1. Về đối tượng áp dụng

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung thêm đối tượng áp dụng là hộ gia đình người Việt Nam; sửa cụm từ “người Việt Nam ở nước ngoài” thành “cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài” để mở rộng đối tượng là các tập thể người Việt Nam ở nước ngoài cũng thuộc đối tượng áp dụng của Luật.

2. Về giải thích từ ngữ

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 ngoài 3 khái niệm về “thi đua”, “Danh hiệu thi đua”, “khen thưởng” đã bổ sung thêm giải thích từ ngữ các cụm từ: 

Sáng kiến là giải pháp có tính mới về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệpứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực đã được áp dụng tại cơ sở, có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận

3. Về mục tiêu của thi đua, khen thưởng

Luật Thi đua khen thưởng 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009 và năm 2013 chỉ đề cập đến mục tiêu của thi đua, không nói đến khen thưởng.

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung thêm mục tiêu của khen thưởng như sau:  là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

4. Các loại hình khen thưởng

Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, theo đó các loại hình khen thưởng gồm:

+ Khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

+ Khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

+ Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

+ Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có quá trình công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân.

+ Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

5. Hiện vật khen thưởng

Luật Thi đua khen thưởng 2003, sửa đổi, bổ sung 2005, 2009, 2013 chỉ đề cập đến được khen thưởng hiện vật, không nêu rõ khen thưởng hiện vật áp dụng trong trường hợp nào.

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 đã bổ sung điều khoản quy định rõ hiện vật khen thưởng như sau:  Hiện vật khen thưởng là sản phẩm đặc biệt, được Nhà nước bảo hộ để tặng cho tập thể, hộ gia đìnhtặng hoặc truy tặng cho cá nhân khi được cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng, gồm huân chương, huy chươnghuy hiệu của danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”danh hiệu “Anh hùng Lao động, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốckỷ niệm chương; bằng, cờgiấy khen của các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

6. Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm

Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Thi đua khen thưởng cũ thì Luật mới đã bổ sung cấm một số hành vi sau: 

+ Tiêu cực trong công tác thi đua khen thưởng.

+ Sử dụng hiện vật khen thưởng trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, tác động xấu đến xã hội.

+ Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trái quy định của pháp luật.

7. Hình thức, phạm vi tổ chức thi đua

Hình thức thi đua, Luật Thi đua khen thường năm 2022 đã đổi cụm từ “thi đua theo đợt” thành “thi đua theo chuyên đề”

Phạm vi tổ chức thi đua, Luật bổ sung thêm Cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tổ chức.

8. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

Ngoài các nội dung của Luật Thi đua khen thưởng cũ, Luật mới bổ sung thêm một số nội dung tổ chức phong trào thi đua như sau: Kiểm tra, giám sát phong trào thi đua. Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

9. Về danh hiệu thi đua

Về danh hiệu thi đua cá nhân thì Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 kế thừa Luật thi đua khen thưởng cũ.

Về danh hiệu thi đua đối với tập thể: ngoài 5 hình thức thi đua của Luật Thi đua khen thưởng cũ:

a) “Cờ thi đua của Chính phủ”;

b) Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

c) “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”;

đ) Danh hiệu thi đua đối với thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương là thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa.

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung thêm danh hiệu thi đua: xãphường, thị trấn tiêu biểu.

 10. Bổ sung điều kiện để tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc

Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” để tặng cho cá nhân đạt tiêu chuẩn sau đây: Có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung thêm điều kiện:  Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa họccông trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.

 11. Danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh

Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 quy định Danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung thêm điều kiện: Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quân hoặc toàn lực lượng Công an nhân dân.

 

 

12. Danh hiệu “Lao động tiên tiến”

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 quy định chỉ có 02 điều kiện: Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.

Trong khi Luật Thi đua khen thương cũ quy định đến 04 điều kiện để đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

13. Danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu

Đây là quy định mới trong Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, cụ thể Danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu để tặng hằng năm cho xã, phường, thị trấn dẫn đầu phong trào thi đua cấp huyện và đạt các tiêu chuẩn sau đây:

a) Thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giao;

b) Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển;

c) Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú;

d) Môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp;

đ) Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

14. Bổ sung thêm đối tượng được tặng Huân chương sao vàng

Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 bổ sung thêm “Huân chương Sao vàng” để tặng cho Bộ, ban, ngành, tỉnh, cơ quan của Quốc hội; “Huân chương Sao vàng” để tặng cho quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, hệ lực lượng trong Công an nhân dân, tổng cục và tương đương thuộc Bộ, ban, ngành đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Luật.

Theo Luật Thi đua khen thưởng cũ thì Huân chương sao vàng chỉ tặng cá nhân, tập thể  đã được tặng “Huân chương Hồ Chí Minh”, Nguyên thủ quốc gia nước ngoài có công lao to lớn đối với đất nước Việt Nam./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang