Sông Mã quan tâm phát triển kinh tế xã hội vùng cao
Thứ Bảy, 26/04/2025 15:18 GMT+7
(sonla.gov.vn) Với đặc thù là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, nhờ nỗ lực triển khai tốt các chính sách dân tộc và các dựán đầu tư thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Mã không ngừng cải thiện.
Nhiều sản phẩm của các xã vùng cao, biên giới Sông Mã được công nhận.
Trước đây cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi huyện Sông Mã gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm nhiều thiếu thốn, đồng bào các dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các hủ tục lạc hậu chưa được đẩy lùi, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn diễn ra; đói nghèo, ốm đau, bệnh tật cứ luẩn quẩn. Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nay nhiều bản của người dân nơi đây đã khoác lên mình diện mạo mới. Các chương trình, dự án như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân không chỉ được hưởng lợi mà còn làm thay đổi tư duy nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Từ năm 2020 các ngành chức năng trên địa bàn đã tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho Nhân dân các xã vùng cao, biên giới về trồng trọt và chăn nuôi; trồng mới gần 900 ha cây ăn quả; duy trì các mô hình kinh tế mới, như: Sản xuất lúa hữu cơ, bảo tồn giống lúa địa phương, mô hình nuôi gia cầm; mở rộng diện tích trồng cây cà phê, cây mắc ca; thành lập mới 12 hợp tác xã tại các xã vùng cao, biên giới. Bên cạnh đó, huyện đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã đầu tư mới 71 công trình và duy tu, bảo dưỡng 46 công trình cộng đồng…
Nhờ những nghị quyết và chính sách rất kịp thời của tỉnh, của huyện người dân Sông Mã đã từng bước hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, biết phát triển nông nghiệp, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đến nay, Nhân dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, số hộ nghèo, cận nghèo giảm, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tác giả: Diệp Hương