Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trước thách thức COVID-19

Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp Sơn La đã có những bước tiến vượt bậc: Năm 2019, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 150 triệu USD; sản phẩm nông sản được mùa, bán được giá, người nông dân có thu nhập. Tiếp nối thành công đó, diện tích và sản lượng nhiều loại nông sản của tỉnh tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang đặt ra những thách thức khi nhiều sản phẩm nông sản chủ lực đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.

 

Đưa nguyên liệu vào chế biến tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La

Ảnh: Phạm Đức

 

Theo báo cáo của Ngành Nông nghiệp & PTNT, tỉnh ta dự kiến trong năm 2020 có trên 49.100 ha lúa, sản lượng trên 190.700 tấn; 92.400 ha ngô, 36.700 ha sắn, trên 8.800 ha mía, sản lượng hơn 1.400.000 tấn; 10.300 ha rau các loại, sản lượng 133.470 tấn và trên 71.000 ha cây ăn quả (nhãn, xoài, mận, mơ, chuối, bơ, hồng giòn...) sản lượng ước 256.200 tấn. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tham gia xuất khẩu có thời gian thu hoạch chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 12, do đó, chưa phải chịu tác động lớn do dịch COVID-19 trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo nhận định, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các nước có dịch vẫn tăng cường các hoạt động kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sẽ gặp khó khăn về đầu ra. Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tỉnh ta hiện có 10 mặt hàng nông sản chính tham gia xuất khẩu, gồm 6 mặt hàng quả là xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận, chuối và 4 mặt hàng nông sản chế biến là đường, cà phê, chè, tinh bột sắn. Hiện, 5 sản phẩm đang xuất bán gồm: Đường, tinh bột sắn, chè, cà phê và chuối; các sản phẩm nông sản đang chuẩn bị đến vụ thu hoạch như mận, mơ, xoài, nhãn, chanh leo... sản lượng dự kiến hàng trăm nghìn tấn. Các sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên phương án ngành đưa ra là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng rải vụ và tập trung chế biến sâu các mặt hàng nông sản...

 

Nhận diện sớm và rõ các nguy cơ thách thức, ngành Nông nghiệp & PTNT đã xây dựng kịch bản với các giải pháp phù hợp để khắc phục. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy sản xuất để có đủ lương thực, thực phẩm cung ứng trong mọi hoàn cảnh. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, thời vụ sản xuất cây trồng, rà soát lại một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các loại cây trồng ngắn ngày và dài ngày hiệu quả kinh tế cao hơn mà vẫn phù hợp định hướng phát triển cây trồng của tỉnh. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như trồng trong nhà lưới, nhà kính... bảo đảm thời gian thu hoạch quanh năm, mở rộng diện tích trồng rau áp dụng quy trình VietGAP để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Về cây ăn quả, lựa chọn các loại giống phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng; sử dụng các giống rải vụ, trái vụ, cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến quả, giống cho năng suất sản lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ và xuất khẩu; phát triển và mở rộng diện tích các loại cây trồng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; thực hiện giám sát đối với các doanh nghiệp, HTX đã ký cam kết thực hiện mã số vùng trồng trước và tiếp tục xây dựng cấp các mã số vùng trồng, mã vùng trồng mới năm 2020. Trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, trang trại; thực hiện liên kết sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững. Ký hợp đồng thu mua tiêu thụ sản phẩm nông sản nhất là các loại quả như  xoài, nhãn, mận, cam,  quýt, chanh leo với các doanh nghiệp chế biến lớn như Công ty CP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao, Tập đoàn TH, Công ty Nafood, Lavifood... khuyến khích đẩy mạnh các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn để thu mua chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, các loại mứt, rượu, sản phẩm OCOP...


 

Người dân xã Hát Lót, Mai Sơn chăm sóc vườn xoài.

 

 Là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn, với hơn 8.600 ha, Mai Sơn đang tích cực mở rộng vùng trồng cây ăn quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Riêng năm 2019, địa phương này đã tiêu thụ 23.370 tấn quả (xuất khẩu 5.375 tấn 4 loại quả sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Anh, Australia, Campuchia...), giá trị sản phẩm nông sản tham gia xuất khẩu trên 4,3 triệu USD. Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Mai Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban hướng dẫn các HTX, hộ kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa vào các siêu thị, hệ thống cửa hàng nông sản trên cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến nhỏ trên địa bàn huyện để thu mua và chế biến, bảo quản các loại quả tươi; khuyến khích các HTX, cơ sở chế biến chủ động tận dụng, thuê, sử dụng sân bãi, nhà xưởng, lò sấy của các cơ sở chế biến hàng hóa khác khi chưa đến thời điểm sản xuất để nâng cao công suất sơ chế, chế biến. Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Ngọc Lan (xã Hát Lót) chia sẻ: Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước, HTX xác định phải sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ. Từ năm 2019, HTX đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật rải vụ trên cây bưởi da xanh, không thu hoạch ồ ạt trong khoảng thời gian ngắn như trước, vừa tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, vừa góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một loại cây trồng và diện tích canh tác.

 

Để ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản, tỉnh ta đang tập trung tìm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt khác duy trì và thúc đẩy sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị an toàn để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm, với các giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của ngành Nông nghiệp và PTNT, tin rằng hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản năm 2020 của tỉnh sẽ mang lại những kết quả khả quan, bất chấp thách thức rất lớn do tác động của dịch COVID-19.

 

Theo baosonla.org.vn

Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang