13/11/2023
Nông dân Lò Văn Khoản làm kinh tế giỏi
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới của xã Mường Hung, huyện Sông Mã đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương bằng đôi bàn tay và trí óc của mình. Ông Lò Văn Khoản ở bản Nà Lứa, xã Mường Hung, huyện Sông Mã là một điển hình trong số đó.
Nông dân Lò Văn Khoản – chăm sóc vườn bưởi
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Từ thời ông, cha diện tích đất sản xuất này trước kia chỉ trồng ngô, trồng sắn. Quanh năm vất vả mà vẫn nghèo. Là lao động chính trong gia đình, ông Khoản nhiều đêm suy nghĩ và quyết tâm phải tìm hướng phát triển kinh tế, làm thế nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu. Sau nhiều lần đi học tập các mô hình kinh tế tiêu biểu trong tỉnh kết hợp nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, anh quyết định chuyển đổi cung cách làm ăn, không thể trồng riêng cây ngô, cây sắn mà phải chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
Năm 2014, sau khi đi học tập kinh nghiệm anh Khoản là một trong những người nông dân đầu tiên tại xã Mường Hung mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 1 ha vườn cây nhãn giống địa phương sang chiết ghép giống nhãn Miền thiết, nhãn chín sớm T6. Đến năm 2016 diện tích nhãn của ông đã cho quả bói và bước đầu cho thấy hiệu quả. Từ số tiền 60 triệu thu được từ vụ nhãn, năm 2016 ông Khoản đã tiếp tục đầu tư trồng thêm 100 cây xoài giống Đài loan và 200 cây bưởi da xanh. Nhờ sự quyết tâm, cùng với tinh thần cần cù, chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ mà đến nay mô hình của anh Khoản đã phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh cũng thu lãi từ 200 – 300 triệu đồng. Ông Lò Văn Khoản, bản Nà Lứa, xã Mường Hung, huyện Sông Mã cho biết thêm : “ Nói về khó khăn, thì có lẽ khó khăn nhất đó là nguồn tài chính,vì ở nông thôn thì xoay sở khó. Thứ 2 là về thời tiết, trồng bưởi đòi hỏi mình phải tưới tiêu, chăm bón thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt cho những trái quả có chất lượng. Trong mấy năm đầu mình cũng phải đi tìm tỏi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, quy trình của các nhà vườn khác về áp dụng cho vườn nhà mình, cùng với đó nắm bắt khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, sử dụng nguồn dinh dưỡng hữu cơ”.
Với mong muốn cùng hỗ trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế năm 2020 ông Khoản và một số hộ trong bản Nà Lứa xã Mường Hùng đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã Nà Lứa xã Mường Hùng với 21thành viên. Ngoài việc chia sẻ, hỗ trợ nhau về vốn, nguồn giống các thành viên Hợp tác xã còn hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăm sóc để cho ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên. Ông Quàng Văn Lẻ - Phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Lứa xã Mường Hung, huyện Sông Mã cho biết: “ Đồng chí Khoản rất tích cực tham gia các hoạt động của Hợp tác xã. Về kỹ thuật chăm sóc HTX đã cho đồng chí đi học tập các lớp tập huấn của huyện, của tỉnh tổ chức. Đến nay, đồng chí là một trong những thành viên HTX có hiểu biết nhiều về khoa học kỹ thuật. Những thành viên khác trong hợp tác xã khác cần hỗ trợ về kỹ thuật thì đồng chí rất nhiệt tình chia sẻ.”
Có thể nói, ông Lò Văn Khoản là một trong những hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy xuất phát điểm thấp nhưng qua học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những cái hay, cái mới trong sản xuất và áp dụng thành công vào điều kiện thực tế của gia đình, đến nay mô hình phát triển kinh tế của anh Khoản ngày càng cho thấy hiệu quả thiết thực, được địa phương quan tâm và nhân rộng mô hình. Ông Lò Văn Ong – Chủ tịch Hội nông dân xã Mường Hung, Sông Mã cho biết: “ Hội nông dân xã Mường Hung hiện có 1.186 hội viên, trong đó hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp có 135 hội viên, hội viên đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 6 hội viên. Sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện 18 hội viên, còn lại là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã. Qua phát động phong trào sản xuất kinh doanh giỏi các cấp thì hội viên cũng có sự thay đổi nhiều, mỗi năm số hộ sản xuất kinh doanh giỏi đều tăng và số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm hẳn so với những năm trước”.
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo. Những người nông dân như ông Khoản thực sự là những tấm gương sáng, tiêu biểu để những hội viên nông dân học tập, làm theo. Từ đó xây dựng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát triển, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện./.
Tác giả: Ngô Hà - Trung tâm TTVH huyện