Kết quả 10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sơn La
Lượt xem: 101
10 năm thực hiện Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sơn La

KẾT QUẢ 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LALuật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Qua 10 năm triển khai thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:

Thứ nhất, việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; quán triệt, phổ biến Luật được thực hiện kịp thời

Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 102/2014/NQ-HĐND ngày 14/12/2014 về mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La và Nghị quyết số 84/2014/NQ-HĐND ban hành Quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 26/11/2012 về triển khai thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sơn La và các kế hoạch để tổ chức triển khai chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong đó định hướng nội dung trọng tâm cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến những vấn đề mới, nóng, dư luận xã hội quan tâm. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Sơn La đã tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành 04 Nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La UBND các cấp đã ban hành 04 chỉ thị, 172 quyết định, 786 kế hoạch, 1302 Công văn, 147 văn bản khác để hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Hai là, Công tác kiểm tra, thi đua, khen thưởng được thực hiện thường xuyên, kịp thời

Để triển khai thực hiện tốt Luật PBGDPL và các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về công tác PBGDPL, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp tham mưu với UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch triểm tra công tác PBDGPL. Từ năm 2013 đến năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 10 kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đánh giá được thực trạng việc triển kai thực hiện các quan điểm chỉ đạo, đề án, kế hoạch về PBGDPL, kịp thời nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đồng thời đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; kịp thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL. Trong đó, khó khăn về kinh phí dành cho công tác PBGDPL cơ bản được tháo gỡ, các cấp, các ngành cân đối bố trí kinh phí, nhất là kinh phí PBGDPL cho cấp xã để đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu giai đoạn hiện nay.

Công tác thi đua khen thưởng trong PBGDPL được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 11 Quyết định khen thưởng cho 169 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Ngày pháp luật các Đề án, kế hoạch về công tác PBGDPL; hoạt động của Hội đồng PBGDPL... Qua đó đã kịp thời động viên, khích lệ các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham mưu thực hiện tích cực hơn trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Ba là, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện sôi nổi, rộng khắp

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện.

Chủ đề Ngày Pháp luật hằng năm đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, gắn với việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; quan điểm xuyên suốt của Ngày Pháp luật lấy toàn dân là chủ thể, Hiến pháp và pháp luật làm đối tượng, mục tiêu tôn vinh và khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật nhằm xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành và bảo vệ pháp luật.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật với hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức Hội nghị PBGDPL; tọa đàm; tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến;... Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hưởng ứng ngày Pháp luật hàng tháng thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn, họp chi bộ, đọc báo đầu giờ, đăng tải đề cương tuyên tuyền, phổ biến pháp luật lên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Thông qua các hoạt động triển khai Ngày pháp luật đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và Nhân dân hình thành thói quen tự nghiên cứu, học tập và chấp hành pháp luật.

Bốn là, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương  

Nội dung PBGDPL được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10 Luật PBGDPL; các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền quy định của Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực quản lý nhà nước, các quy định của pháp luật có liên quan thiết thực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, chống ma túy; phòng, chống bạo lực gia đình; tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế; tuyên truyền về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường đổi mới, sáng tạo về hình thức, phương pháp tuyên tuyền PBGDPL, đảm bảo thực chất, hiệu quả. Nhiều hoạt động được tổ chức rộng rãi, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thông qua nhiều hình thức như tổ chức Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL; lồng ghép trong các Hội nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong các buổi sinh hoạt, cuộc họp của cơ quan, đơn vị; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở; phát hành tờ rơi, tờ gấp pháp luật; thông qua công tác xét xử, trợ giúp pháp lý; công tác hòa giải ở cơ sở; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên tuyền, phổ biến bằng tiếng dân tộc. Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hơn 74.730 cuộc tuyên truyền miệng pháp luật cho 3.086.839 lượt người tham gia thông qua các hội nghị, tập huấn bồi dưỡng, tổ chức tuyên truyền tại các cơ quan, đơn vị, họp bản, tiểu khu; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, kết quả trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 264 cuộc thi với 104.775 lượt người tham gia. Trung bình hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát hành 351.498 tài liệu tuyên truyền/năm và 6.054[1] tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số.

Năm là, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được thực hiện nền nếp, có hiệu quả

Trên cơ sở Kế hoạch PBGDPL của tỉnh, hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức nhiều hoạt động trong PBGDPL trong trường học. Tổ chức tập huấn các kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho học sinh, sinh viên một số trường trên địa bàn tỉnh. Việc dạy và học pháp luật, PBGDPL trong trường học 10 năm qua trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, đạt nhiều kết quả tốt. 100% đơn vị trường học đều xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch PBGDPL trong trường học. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật cơ bản được đào tạo đúng chuyên ngành, tâm huyết với nghề nên chất lượng giảng dạy trong các tiết học ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn tỉnh Sơn La còn có một số tồn tại, hạn chế và bất cập, như:         

Nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự đầy đủ, một vài nơi chưa thực sự coi trọng công tác này, chưa chủ động thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý, còn coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ riêng của ngành tư pháp. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có nhiều đổi mới, song chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là đối với các đối tượng đặc thù; một số chương trình phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động chưa hiệu quả, chưa có nhiều hoạt động phối hợp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL còn chưa được hiệu quả sâu và rộng. Việc cung cấp tin, bài cho Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Sơn La chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được với yêu cầu trong điều kiện hiện nay; đặc biệt ở cấp xã. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ, xã hội hóa công tác PBGDPL còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số Đề án về PBGDPL được ban hành nhưng chưa có nguồn kinh phí thỏa đáng để triển khai thực hiện, thường phải lồng ghép với các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL của các cơ quan, đơn vị nên hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do:

Nhận thức về công tác PBGDPL của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật công dân; một số ít các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PBGDPL, nhất là quản lý nhà nước về chuyên ngành nên thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo thường xuyên; chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều, chủ yếu kiêm nghiệm; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PBGDPL hiệu quả chưa cao; việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, hình thức PBGDPL có hiệu quả chưa thường xuyên.

Để tiếp tục hoàn thiện Luật PBGDPL, tỉnh Sơn La kiến nghị:

Đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn, trong đó bổ sung quy định rõ hơn về kinh phí, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trong cơ chế phối hợp thực hiện. Tăng cường ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật chất cho công tác tuyên tuyền, PBGDPL trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề nghị Bộ Tư pháp hàng năm tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác PBGDPL tại các địa phương để nâng cao năng lực, kỹ năng PBGDPL; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch số 100/2-14/TTL-BTC-BTP ngày 30/7/2014 về một số mức chi cho công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở theo hướng tăng các mức chi cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay./.



[1] Theo Báo cáo số 395/BC-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh Sơn La về Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1