Một số điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019
Lượt xem: 152
Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Quốc hội đã xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, theo đó, tại Điều 2 của Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Quốc hội đã xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13. Theo đó, tại Điều 2 của Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có một số nội dung mới cơ bản như sau:

Thứ nhất, quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt: Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Luật quy định theo hướng linh hoạt. Theo đó, Luật khẳng định chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương (có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị.

Thứ hai, bổ sung 01 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Đây là nội dung mới được bổ sung vào Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, đại biểu HĐND phải đáp ứng điều kiện có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Thứ ba, giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp: Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với HĐND tỉnh: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu); tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu).

Đối với HĐND huyện: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu); huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).

Đối với HĐND xã: Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu); xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu); xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).

Thứ tư, tăng số lượng Phó Chủ tịch của xã loại II: Luật sửa đổi cũng thay đổi cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong đó, cho phép xã loại II được có tối đa 02 Phó Chủ tịch xã (trước đây chỉ có 01 Phó Chủ tịch); xã loại I vẫn có tối đa 02 Phó Chủ tịch xã và xã loại III vẫn chỉ có 01 Phó Chủ tịch xã như trước đây.

Thứ năm, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh, huyện: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 đã quy định giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó trưởng ban HĐND, cụ thể:

Đối với HĐND tỉnh: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó Chủ tịch HĐND.

Tương tự số lượng Phó chủ tịch HĐND, đối với các phó ban HĐND thì trường hợp Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 phó ban. Trường hợp Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó ban.

Đối với HĐND huyện: Luật 2019 quy định chỉ có 01 phó Chủ tịch HĐND huyện hoạt động chuyên trách, giảm 01 Phó Chủ tịch so với Luật 2015.

Thứ sáu, không còn khái niệm “họp bất thường”: Ở cả Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khái niệm “họp bất thường” đã được sửa đổi thành “họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất” hoặc “họp chuyên đề”.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Đáng chú ý là tại Điều 4 -Điều khoản chuyển tiếp có quy định: "Từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến khi bầu ra HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng đại biểu HĐND tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của Ban của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13”.

Tác giả: Lường Thị Việt Chi, Trường Chính trị tỉnh (t/h)
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1