Thời gian qua các trường học trên địa bàn huyện Sông Mã đã lồng ghép các nội dung giáo dục về chủ quyền vùng biển và hải đảo vào các môn học có khả năng tích hợp hoặc giảng dạy ở phần giáo dục địa phương; tổ chức ngoại khóa chuyên đề biển, đảo; xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa - Hoàng Sa... Qua đó, giáo dục và nâng cao nhận thức của học sinh về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tình yêu biển đảo là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã chỉ đạo các trường học lồng ghép nội dung tuyên truyền về chủ quyền biển đảo trong các môn học; tổ chức ngoại khóa với chủ đề biển đảo trong các hoạt động của đoàn trường, liên đội.
Đến Trường THCS Chiềng Khương, luôn nhận thấy cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa được xây dựng ở vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường. Đây cũng là trường học đầu tiên của huyện thực hiện mô hình này. Mô hình được xây dựng năm 2015, cao 3,3 m, rộng 1,8 m; phía trên là quốc hiệu nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tiếp theo là biểu tượng lá cờ Tổ quốc, biểu tượng địa danh, tọa độ địa lý (vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa, Hoàng Sa); biểu tượng mặt trống đồng thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; trụ đỡ cột mốc với hình ảnh sóng biển. Công trình đã phục vụ hiệu quả việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh trong trường.
(Giáo viên môn địa lý, Trường THCS Chiềng Khương, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho học sinh)
Trường Tiểu học Chiềng Khoong cũng xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa - Hoàng Sa ngay tại khu vực cổng trường. Một số trường khác tổ chức không gian trưng bày bản đồ Việt Nam, hình ảnh về biển đảo, phục vụ quá trình giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa.
Việc giáo dục tình yêu, chủ quyền biển đảo được triển khai phù hợp từng cấp học, độ tuổi học sinh. Đối với bậc học mầm non, các trường giới thiệu cho trẻ về biển, đảo, các loài sinh vật phổ biến sống ở biển. Bậc tiểu học, các em được học về biển, đảo qua những hình ảnh giới thiệu về phong cảnh, tài nguyên biển đảo, kèm theo những câu chuyện về chiến sĩ hải quân bảo vệ biển đảo. Đối với bậc THCS và THPT, qua bộ môn địa lý, học sinh được học những khái niệm, tư liệu trực tiếp liên quan đến vùng biển của Việt Nam. Giáo viên thực hiện dạy kiến thức kết hợp các hình ảnh tư liệu về chủ quyền vùng biển Việt Nam, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính giáo dục cao.
Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về chủ quyền biển đảo được tổ chức với hình thức tuyên truyền kết hợp hình ảnh, video, mô hình, bản đồ minh họa; trả lời câu hỏi, đố vui có thưởng; kể những câu chuyện về trường học, đời sống nhân dân vùng biển, đảo... Hội Đồng đội huyện phát động vẽ tranh chủ đề “Em yêu biển đảo Việt Nam”, làm thiệp hoặc làm một số món đồ handmade, như: Móc treo chìa khoá, khung ảnh, khăn… tặng cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại biển đảo Việt Nam.
Hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do Trung ương Đoàn phát động, các trường học trên địa bàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như treo bản đồ tại lớp học, không gian sinh hoạt đoàn, đội; vẽ tranh về chủ quyền lãnh thổ đất nước; sinh hoạt chuyên đề “Tự hào một dải non sông”, chụp ảnh với bản đồ đăng tải trên mạng xã hội, thay ảnh đại diện trên zalo, facebook hưởng ứng cuộc vận động... Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về vị trí địa lý, chủ quyền, của đất nước, trong đó có vùng biển, hải đảo.
Tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học đã khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của học sinh. Từ đó, giúp các em hiểu rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương./.