17/09/2023
Nghề chế biến long nhãn
Huyện Sông Mã có diện tích nhãn trên 7.500 ha, sản lượng năm 2023 đạt 75.000 tấn, trong đó tiêu thụ quả tươi 46.091 tấn, xuất khẩu 950 tấn và đưa vào chế biến long nhãn 27.959 tấn, tương đương với 2.795 tấn long nhãn.
Ngoài nhãn tươi, huyện cũng có sản phẩm long nhãn với giá trị dinh dưỡng rất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước đây, việc chế biến long nhãn được làm theo phương pháp thủ công, từ bóc cùi phơi nắng đến sấy quả, tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, người dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến long nhãn, tạo ra các sản phẩm chất lượng, được thị trường trong, ngoài tỉnh đón nhận và xuất sang nhiều nước. Nghề làm long nhãn đã tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân trong bản, giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo.
Năm 2022 bản Hải Sơn và Hồng Nam của xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, vinh dự được công nhận là Làng nghề chế biến long nhãn. Việc thành lập làng nghề không chỉ là điều kiện quan trọng về tư cách pháp nhân để đẩy mạnh, mở rộng hoạt động sản xuất, mà còn tạo điều kiện liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, đưa thương hiệu long nhãn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 2.994 lò sấy long nhãn, trong đó: lò sấy thủ công 2.262 lò, lò sấy hơi nhiệt sạch: 732 lò. Ngoài chế biến quả nhãn của huyện còn nhập nhãn từ các huyện như Mường La, Thành Phố Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu,… đưa vào chế biến 39.959 tấn quả nhãn tươi tương đương với 3.995 tấn long nhãn. Niên vụ năm 2023 huyện Sông Mã đã tiêu thụ 3.715 tấn long nhãn trong đó, tiêu thụ trong nước 550 tấn, xuất khẩu 3.165 tấn.
Từ đây có thể thấy, việc phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản không chỉ đang là xu thế mà còn là điều tất yếu cần phải làm để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản sau thu hoạch./.
Tác giả: Tòng Văn Đức - Phòng NN&PTNT