Tỉnh Sơn La nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu
Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP và tương đương, ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ trong thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Tỉnh Sơn La chú trọng đầu tư, cải tiến ở các khâu sản xuất đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La đến nay đã được cấp 220 mã số vùng trồng, diện tích 4.847,85 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 125 mã với 4.077,23 ha; 147 mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Mỹ… với diện tích 412,06 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand... là 48 mã, diện tích 385,56 ha. Năm 2021, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tăng 3 sản phẩm so với năm 2020. Hiện, tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là 83 sản phẩm, trong đó: 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm 4 sao và 51 sản phẩm đạt 3 sao. Tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; Mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo; Ống hút tre Bình Mình; Gạo nếp tan Ngọc Chiến; Ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát; Trà Sencha; Ngọc trai Queenpearl; Điểm du lịch Pha Đin top; Điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến….

Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR....

 Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Trong đó: 27 chuỗi rau an toàn, diện tích 154,3 ha, sản lượng 6.636,5 tấn/năm; 123 chuỗi quả an toàn (xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây...) diện tích 2.333,34 ha, sản lượng 24.388 tấn/năm; 01 chuỗi cà phê diện tích 16 ha, sản lượng 132 tấn/năm; 07 chuỗi chè diện tích 462 ha, sản lượng 6.865 tấn/năm; 04 chuỗi thịt lợn an toàn, số lượng trên 84.000 con, sản lượng 4.663 tấn/năm; 02 chuỗi thịt gà an toàn, số lượng 18.000 con, sản lượng 27 tấn/năm; 05 chuỗi mật ong an toàn với số lượng 3.990 đàn ong, sản lượng 363,5 tấn/năm; 27 chuỗi thủy sản nuôi 3.370 lồng bè, sản lượng 2.777 tấn/năm.

Tỉnh tiếp tục triển khai 7 dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm quả xoài theo hướng hữu cơ trên địa bàn các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu và thành phố Sơn La với diện tích 308,5 ha; sản phẩm quả cam trên địa bàn huyện Sông Mã, Sốp Cộp với diện tích 18 ha; sản phẩm quả Lê trên địa bàn huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai với diện tích 78 ha Lê VH6.

Toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả tại tỉnh, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Việc tỉnh Sơn La không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ để người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng mà còn mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Sơn La tham gia xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.

Lê Hồng

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1