Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã đảm nhiệm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, thông báo kịp thời cho lãnh đạo ra quyết sách xử lý, phòng trừ kịp thời khi xảy ra dịch. Bên cạnh đó, Chi cục còn làm tốt công tác quản lý chuyên ngành về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng, sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, phân bón, bảo vệ thực vật… Đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Chi cục luôn xác định không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó, đồng hành cùng người nông dân trong tiến trình hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

 

Năm 2021, Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; kịp thời phát hiện nhiều loại sinh vật gây hại trên cây trồng như: Bệnh thán thư cành, rệp sáp, sâu đục thân mình trắng, chùn ngọn, rệp vẩy trên cây cà phê; bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn trên cây lúa; bệnh sâu keo mùa thu trên cây ngô...Tổ chức 34 lớp tập huấn cho nông dân tại 12 huyện, thành phố về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; xử lý, tiêu hủy trên 20 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện quản lý, giám sát mã số vùng trồng, phát triển vùng nguyên liệu, tập huấn chuyển giao công nghệ cho người dân. Chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu, góp phần đảm bảo sản phẩm các loại rau, quả của tỉnh an toàn, giữ vững thương hiệu trên thị trường.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Trước mỗi vụ sản xuất, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn công tác sản xuất trồng trọt trên địa bàn; hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng theo từng thời vụ; kế hoạch sản xuất; công tác phòng trừ sâu bệnh và kiểm dịch thực vật. Do vậy, trong năm qua, mặc dù diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại khá phức tạp nhưng các cây trồng chính trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được năng suất và sản lượng ổn định. 

Chi cục còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phối hợp triển khai dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và nông lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” tại huyện Thuận Châu; Đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng, chống các loài sâu bệnh chính trên cây chanh leo theo hướng tổng hợp tại Sơn La”; Dự án “Nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế của phụ nữ thông qua phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gai xanh do phụ nữ làm chủ” tại Vân Hồ, Mộc Châu. 

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện, tham mưu cho ngành nông nghiệp các giải pháp phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung điều tra, dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống cây trồng, nâng cao nhận thức của nông dân; xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu các nhà máy chế biến.

Như Thủy

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1