Phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương
Phụ nữ lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm 49,12% là lực  lượng nòng cốt trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ động ứng dụng  tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây  trồng vật nuôi.

 

Phát huy vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương.

 

Phụ nữ là lực lượng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Tỉnh về trồng cây ăn  quả trên đất dốc, duy trì sản xuất cây lương thực có hạt, nuôi trồng thủy sản vùng  lòng hồ thủy điện Sơn La, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện sản xuất  theo vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá. Lần đầu tiên Sơn La trở thành tỉnh có  diện tích cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, với 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an  toàn; xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước (Úc; Pháp;  Mỹ; Nhật,...) trong đó có đóng góp không nhỏ của phụ nữ. Điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, góp phần tăng  thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Tiêu biểu như gia đình chị Hà Thị Chình, hội viên Chi hội bản Văng Lùng xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu thành lập nhóm sở thích trồng cây ăn quả  sạch thu hút 39 chị em tham gia tạo việc làm cho thu nhập trên 4 tỷ đồng năm 2020. Hay gia đình chị Lò Thị Dưng, hội viên Chi hội bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha,  huyện Thuận Châu với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, cho thu nhập trên 600 triệu  đồng/năm.

Với tỷ trọng cơ cấu công nghiệp của tỉnh là 21,34% phụ nữ chiếm tỷ lệ cao  trong một số ngành công nghiệp của tỉnh. Các nữ công nhân đã tích cực hưởng ứng  phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, có nhiều sáng kiến cải tiến  kỹ thuật, nâng cao tay nghề, góp phần tăng năng suất lao động, đưa tỉnh Sơn La ngày càng tham gia sâu rộng và hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất của cả nước,  góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông  nghiệp nông thôn phù hợp với điều kiện của tỉnh miền núi. Điển hình trong lĩnh vực này là phụ nữ Công ty cổ phần chè Mộc Châu, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, công ty Giầy da Ngọc Hà  huyện Phù Yên, Hợp tác xã Nặm La - Thành Phố Sơn La.. 

Phát huy thế mạnh, giá trị bản sắc văn hoá đa dạng phong phú của các dân  tộc Sơn La, phụ nữ tỉnh nhà đã tích cực tham gia phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hoá, di tích lịch sử có sự tham gia của cộng đồng, tạo việc làm cho lao động góp phần tăng tỷ trọng GRDP của tỉnh trong lĩnh vực dịch vụ là  37%. Tính đến thời điểm này Sơn La có 06/12 huyện/thành phố có điểm Du lịch cộng đồng do chị em phụ nữ làm chủ. Điển hình như gia đình chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc HTX Du lịch bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu liên kết 20 hộ làm homestay, thu nhập bình quân 6 tỷ đồng/năm, giải  quyết việc làm cho hơn 50 lao động... Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, từ 34,44% (năm 2015) xuống còn 18,38% (năm 2020); bình quân giảm trên  3%/năm theo tiêu chí đa chiều. 

Diệp Hương

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1