Lễ hội Pang A của người La Ha tỉnh Sơn La

Là một tỉnh miền núi, Sơn La vừa là giao điểm của nhiều nét văn hóa đặc sắc, vừa là một trong các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng chiến lược, quan trọng của vùng Tây Bắc Việt Nam.

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán và bản sắc văn hoá riêng. Người La Ha là dân tộc có dưới 10.000 người trong số 16 dân tộc trong toàn quốc cần được bảo tồn văn hóa truyền thống khẩn cấp, chiếm 0,87% dân số ở Sơn La, là một trong những cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, được cho là những cư dân đầu tiên khai phá vùng lòng chảo Tây Bắc trước khi tộc người Thái di cư đến. Làng bản của người La Ha có qui mô nhỏ, cư trú ở vùng thấp, chủ yếu dọc sông Đà và một số con suối lớn thành từng bản, xen kẽ với các tộc người khác như Thái, Khơ Mú, Kháng, định cư chủ yếu tại các huyện: Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai (và một vài bản tái định cư ở huyện Mộc Châu).

Trước kia kinh tế chủ yếu của người La Ha là nương rẫy du canh, du cư kết hợp với việc đánh bắt cá, ngày nay sống định canh, kinh tế nương rẫy kết hợp với làm ruộng nước và đánh bắt cá. Nói chung kinh tế của người La Ha ở Sơn La còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao. Ở một số bản di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La, đời sống của bà con đã tương đối ổn định.

Người La Ha theo tín ngưỡng thờ đa thần giáo, họ quan niệm có nhiều loại ma, ma lành giúp ích cho con người, ma dữ chuyên gieo rắc tai họa, bệnh tật, con người tồn tại được là nhờ có các hồn, nếu hồn bị lưu lạc thì con người bị ốm đau vì vậy phải nhờ các thầy mo cúng nhờ âm binh gọi hồn về để cho con người khỏe mạnh. Khi chữa khỏi bệnh, thầy cúng nhận người bệnh làm con nuôi. Hàng năm, thầy cúng tổ chức Lễ hội Pang A (hay còn gọi là Xek Pang Á, Đậu Pang Ả, Dâng hoa măng, Pang A nụn ban) để mời lực lượng âm binh về hưởng lộc, cầu mong họ phù hộ cho dân bản, các con nuôi được khỏe mạnh, không mắc bệnh tật. Trong dịp này, các con nuôi có dịp tạ ơn thầy cúng và các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình, cầu mong thầy cúng khỏe mạnh, sống lâu để giúp cho dân bản chữa bệnh.

Lễ hội Pang A thường tổ chức vào mùa măng đắng cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch. Lễ hội diễn ra 1 ngày, tại nhà thầy cúng. Thành phần tham gia gồm có 2 thầy cúng, các con nuôi đã được thầy chữa khỏi bệnh và bà con dân bản.

Quy mô tổ chức Lễ hội Pang A tùy thuộc vào từng thầy cúng. Nếu thầy cúng cao tay, có nhiều năm hành nghề, con nuôi đông thì quy mô tổ chức lễ hội lớn. Các thầy cúng mới hành nghề, có số lượng con nuôi ít thì tổ chức quy mô nhỏ hơn. Người La Ha có quan niệm về thời hạn của con nuôi, thông thường, người bệnh nhẹ thì tự nhận mình làm con nuôi thời gian từ 1-2 năm, người bệnh nặng từ 3-5 năm, sau thời gian này nếu ai có điều kiện thì có thể về thăm cha nuôi hàng năm, ai không có điều kiện thì thôi. Nhiều người đã hết hạn con nuôi vẫn đến để dự lễ hội để mong con cháu của mình có lòng biết ơn đối với thầy cúng, nối sợi dây tình cảm lâu dài, cũng là động viên thầy cúng. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn hay nhỏ thì bà con dân bản sở tại cũng đều đến dự đông đủ, chia vui cùng với thầy cúng và các con nuôi.

Hàng năm, khi hoa Ban, hoa Mạ, Trạng nguyên nở rộ, măng đắng đã mọc nhiều, thầy cúng xem ngày tốt để tổ chức lễ hội, những người trong gia đình chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho lễ hội và báo các con nuôi, họ hàng ở xa và bà con dân bản đến dự lễ hội. Trong lễ cúng không thể thiếu cây Xặng Bók, làm từ cây móc và cây chuối rừng với quan niệm: cây móc tượng trưng cho trâu đen, cây chuối tượng trưng cho trâu trắng. Trên cây móc trang trí nhiều vật dụng liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày như: sợi sùng, sợi mon, cống mạy, con ve, quả còn, chim cu gáy, hoa ban, hoa mạ, chiếc kiếm, lá chắn, bộ phận sinh dục nam và nữ, cày và bừa... các đồ trang trí này cũng là đạo cụ của phần hội.

Đến ngày làm lễ gia đình làm lễ cúng dựng cây Xặng Bók ở gian giữa nhà. Những chum rượu cần các con nuôi mang đến đặt xung quanh cây Xặng Bók.

Các con nuôi sắm mâm lễ vật, gồm có: 1 con lợn; 1 con sóc hun khói; 1 con gà luộc; cá, tôm, cua... bánh chưng, chuối xanh, mía, nõn cây chuối rừng, lá đu đủ, khoai sọ, quả đu đủ luộc, măng đắng, rượu trắng, gạo nếp, thóc...

Trước khi làm Lễ Pang A, gia đình chuẩn bị một mâm lễ đặt tại nơi thờ ma nhà. Thầy cúng báo cho tổ tiên biết gia đình tổ chức lễ hội, xin phép tổ tiên cho gia đình được mời các thần linh và mọi người đến dự lễ, phù hộ cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ, may mắn. Khi cúng xong, thầy cúng xin phép dựng cây Xặng Bók.

Trong khi mọi người dựng cây Xặng Bók, gia đình thầy cúng chuẩn bị một mâm lễ, nhờ một người trong gia đình làm lễ cúng hồn chủ nhà. Nghi lễ này có ý nghĩa cầu mong cho các vị thần linh phù hộ, giữ hồn cho thầy cúng trong quá trình hành lễ được may mắn, không bị lạc hồn, lạc vía.

Thầy cúng cúng bài mời Then và các tướng, sư phụ xuống dự lễ, có bao nhiêu quân mời hết, chỉ để lại một người gác cổng.

Thầy cắt cử người đan 2 cái Ta leo. Người nhà gói 3 con gà để cúng cho thần rừng, thổ địa, rừng ma. Thầy cúng cúng xong người nhà mang ta leo đi cắm tại ngõ vào bản và cổng nhà để báo hiệu kiêng, không cho ma, người xấu về phá hoại lễ hội.

Mọi người múa tăng bu, đánh trống. Lần lượt các con nuôi vào dâng lễ vật cho thầy cúng.

Mâm lễ chính của thầy cúng đặt ở dưới cùng và chồng lần lượt các mâm của con nuôi lên trên. Mâm của con nuôi nào từng bị bệnh nặng thì đặt lên trên cùng và phải có thêm 1 bát gạo và 1 quả trứng.

Thầy cúng làm lễ mời từng người thuộc lực lượng âm binh hay các đấng siêu nhiên đã có công cùng học trò hành lễ chữa bệnh xuống thưởng thức lễ vật và phù hộ cho tất cả mọi người, cho lễ cúng được tốt lành. Trong số lực lượng âm binh có khoảng gần 20 vị gọi là các tướng như: Ông "Then", là người quan trọng nhất được ví như ông trời; Ông "Cốc Mương"; Nàng Ỏ "Náng Ỏ"; "Mốn"; con Thuồng Luồng; "Sừng Lừng"; Ông "Môn ý liêng"; "Manh Ngoạng"; "Phia Khoảng"... mỗi vị tướng có hình dáng, tính cách sở thích hay khả năng riêng biệt, tạo nên thế mạnh của mình, đóng vai trò tiên phong mỗi khi chiến đấu với thế lực siêu nhiên cứu người bị hại.

Theo trình tự thời gian diễn ra, thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, các thầy, ma, hồn thầy cúng…rồi lần lượt cúng cho con nuôi được khỏe mạnh mãi mãi, không ốm đau, làm ra nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều con vật… thầy chuyển sang cúng một số vị thần quan trọng liên quan đến tâm linh trong đời sống thường nhật, các vị thần này luôn che chở cho dân tộc La Ha như: Ma căng cói; Con sóc; Con khỉ; Chim cu gáy.

Sau khi cúng xong, thầy cúng diễn trò, miêu tả một số bệnh trong cuộc sống thường gặp và các hình thức sinh hoạt như giả làm người bướu cổ, người bệnh bị què chân, người ngớ ngẩn, người trông nương, làm con khỉ; cảnh cày bừa.

Bà con trong bản và các con nuôi hết sức vui mừng vì thầy cúng đã hoàn thành lễ nghi quan trọng, cầu được sức khỏe, may mắn cho mọi người, họ cùng nhau múa cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống, múa Sừng Lừng, thi ném còn và cùng nhau gõ tăng bu, say sưa xòe thâu đêm không mệt mỏi, làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Buổi lễ đã gần kết thúc, thầy cúng khấn cho hồn về trời tại mâm lễ chính. Trong khi thầy cúng làm lễ các con nuôi lại diễn trò cày bừa lần cuối. Diễn xong mang cây móc và cây chuối chẻ ra (tượng trưng cho việc mổ trâu trắng và trâu đen), bóc lấy nõn (tượng trưng cho óc trâu trắng và ruột gan trâu đen) nấu thành một bát canh và nộm cùng với măng chua phơi khô. Đặt hai món đó lên mâm cùng với 8 chén rượu để thầy cúng mời các thần linh ăn.

Phần lễ kết thúc tại đây. Mọi người tham gia vào bữa cơm cộng đồng và tiếp tục thi uống rượu cần, vui múa tăng bu thâu đêm suốt sáng.

Lễ Pang A đã hình thành rất lâu đời và được bảo tồn đến nay, có phần lễ và phần hội đan xen. Phần lễ tôn nghiêm, giàu bản sắc tộc người. Phần hội sôi động, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh các hoạt động trong lao động sản xuất, ẩn chứa ước nguyện của tộc người được phù hộ, cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bản làng ít xảy ra tai ương dịch họa, dòng tộc phát triển hạnh phúc… Trên hết, lễ hội nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc, cần được giữ gìn, phát huy và lưu truyền cho muôn đời sau.

Lễ Pang A đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 01 năm 2018.

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1