Câu trả lời: Sau khi nhận được câu hỏi của công dân, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời công dân như sau:
1. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tại Suối Tấc.
Theo thông tin Công dân cung cấp, tổng lượng nước dự kiến khai thác, sử dụng cho nhà máy sản xuất, chế biến sâu quặng Nikken khoảng 500m3/h. Đề nghị Công dân bổ sung chế độ khai thác trong ngày để tính toán lưu lượng dự kiến khai thác, sử dụng theo m3/ngày đêm. Đồng thời, đối chiếu với quy định tại Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Trường hợp thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP:
* Thành phần hồ sơ: quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép;
b) Đề án khai thác, sử dụng nước đối với trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành đối với trường hợp đã có công trình khai thác (nếu thuộc trường hợp quy định phải có quy trình vận hành);
c) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
d) Sơ đồ vị trí công trình khai thác nước.
* Mẫu Đơn và Đề án, Báo cáo: Quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Điều kiện cấp phép: Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 136/2018/NĐ-CP Nghị định Sửa đổi một số khoản tại các điều của Nghị định số 201/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì điều kiện cấp phép: “Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực”.
* Điều kiện, năng lực của đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép: quy định tại Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 Nghị định Sửa đổi một số điều của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt gửi về Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Sơn La.
2. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước Suối Tấc
- Các nội dung Công dân cung cấp chưa nêu rõ, đầy đủ thông tin của dự án/Cơ sở (như: công nghệ sản xuất; sản phẩm; quy mô sản xuất; các loại chất thải phát sinh; công trình, biện pháp xử lý chất thải,...) để giải đáp, hướng dẫn chi tiết. Đề nghị Công dân đối chiếu quy định tại Điều 30, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để thực hiện.
Trường hợp, dự án được xác định thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường thì phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Đồng thời trường hợp dự án được xác định thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường thì phải có giấy phép môi trường.
- Đối với nội dung về cấp giấy phép xả thải sẽ được lồng ghép thực hiện trong Hồ sơ cấp giấy phép môi trường.
- Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 29 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
3. Một số nội dung khác
- Trường hợp Công ty thuộc đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Công ty lập Hồ sơ đề nghị phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017; Nghị định số 41/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
- Trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích sinh hoạt: Công ty phải lập Hồ sơ đề xuất vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
- Đối với nội dung trình tự thủ tục: thi công trạm bơm, thi công tuyến ống cấp nước và xả nước thải dọc theo Quốc lộ 43 không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường. Đề nghị Công dân liên hệ với các các cơ quan có thẩm quyền để được giải đáp, hướng dẫn.
Chi tiết văn bản xem tại đây:STNMT.pdf
BBT Cổng TTĐT tỉnh