Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La
Lượt xem: 78

Việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong đời sống xã hội.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước. Trong thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La luôn quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời để củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên theo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2021” được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức của hòa giải viên và công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đi vào nề nếp và tương đối ổn định, công tác hòa giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở và hoạt động của đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, vướng mắc như công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động hòa giải ở cơ sở có nội dung còn hạn chế; Kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn hẹp. Chứ huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở; Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên thay đổi do thay đổi vị trí công tác nên gặp khó khăn trong quá trình hòa giải những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La cần quan tâm, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị địa phương và mọi tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Cung cấp tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật đến từng tổ hòa giải giúp cho hòa giải viên tự nghiên cứu nâng cao trình độ.

Thứ hai, định kỳ hằng năm rà soát, kiện toàn và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho tập huấn viên và hòa giải viên. Qua rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên, từ đó chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để củng cố, kiện toàn, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Thứ ba, tăng cường năng lực cho người làm công tác hòa giải, nhất là tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên, tổ tưởng hòa giải; công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Hòa giải viên cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan, nhất là kỹ năng nghiệp vụ hòa giải; cần được hưởng các chính sách, chế độ thù lao xứng đáng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các luật khác có liên quan.

Thứ tư, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở địa phương trong việc phối hợp thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở trong đó phối hợp tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật; củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ năm, tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo; kịp thời biểu dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở sơ sở; bảo đảm kinh phí tối thiểu cho hoạt động của Tổ hòa giải, chi trả thù lao theo vụ việc theo đúng quy định. 

Tác giả: Lường Thị Việt Chi - Trường Chính trị tỉnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1