Đa dạng nét văn hóa các dân tộc vùng đất Sông Mã
  Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên  163.992,3 ha, gồm 18 xã, 01 thị trấn ( 2 xã khu vực I, 5 xã khu vực II, 12 xã khu vực III ). Huyện có 43,5 km đường biên giới với Lào, gồm 4 xã biên giới và có 2 đồn biên phòng.Toàn huyện có 470 bản, tổ dân phố với dân số 148.573 người. Sông Mã là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi hội tụ văn hóa các dân tộc. Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc anh em cùng chung sống chủ yếu gồm: Dân tộc Thái chiếm 59,51%; dân tộc Mông chiếm 18,26%; dân tộc Kinh chiếm 12,72%; dân tộc Xinh Mun 5,92%; Khơ Mú 2,93%; Kháng 0,44%, còn lại các dân tộc khác. 

Dân tộc Thái là dân tộc đông nhất ở huyện Sông Mã, chiếm trên 59,51% dân số của huyện. Người Thái có mặt ở Sông Mã từ rất sớm, tập trung chủ yếu cơ các xã dọc bờ sông Mã và các con suối lớn như: Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Khương, Chiềng Sơ, Nậm Ty, Yên Hưng, Nà Nghịu,… Tiếng Thái thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.

Trang phục của dân tộc Thái: Nam giới mặc quần áo ta nhuộm chàm. Phụ nữ mặc áo cóm đính hàng khuy bạc hình con bướm hoặc hình ve sầu chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài, khăn piêu thêu nhiều hoa văn cùng với lối trang sức rất độc đáo làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái.

Nhà của người Thái là nhà sàn, đối với các gia đình thuộc dòng dõi quý tộc và các gia đình giàu sang, có thế lực thường trang trí “khau cút” ở hai đầu hồi mái nhà. Bản của người Thái ở vùng thấp dọc sông Mã và các con suối gắn với nghề trồng lúa nước .

Người Thái ở Sông Mã có đời sống văn hóa rất đặc sắc gắn liền với nhiều lễ hội: Lễ xên bản - xên mường, lễ hội cầu mưa, xên - lảu- nó… Những năm gần đâu, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Huyện Sông Mã đã quan tâm tổ chức phục dựng lại một số lễ hội   ở các xã Nà nghịu, Yên Hưng… được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng và tham gia. Trong các lễ hội ngoài phần lễ cúng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bộ thu, đồng bào Thái biểu diễn múa xòe, đánh trống, chiêng, chơi các trò chơi dân gian như: ném còn, tó-má-lẹ, đẩy gậy…

Dân tộc Mông cũng là dân tộc cư trú lâu đời trên vùng đất Sông Mã. Khác với dân tộc Thái, dân tộc Mông thường cư trú ở trên núi cao và ở dọc biên giới, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Cai, Pú Bẩu, Huổi Một, Nậm Ty, Đứa Mòn, Nà Nghịu, Chiềng Cang... Đây là dân số đông thứ hai, chiếm khoảng 18,26% dân số toàn huyện.

Cũng giống như người Mông ở những địa phương khác, người Mông ở Sông Mã có tập quán du canh du cư, nguồn sống chính là làm nương rẫy, trồng ngô, lúa, có nơi làm ruộng bậc thang. Ngoài ra họ còn trồng lanh để lấy sợi dệt vải; nghề thủ công khá đa dạng như rèn đúc dụng cụ, làm giấy bản, làm đồ đựng bằng gỗ, thợ bạc làm đồ trang sức. Tuy nhiên những năm gần đây nhờ có sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành mà  người Mông ở huyện Sông Mã đã dần thay đổi tập quán du canh du cư. Với nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước bà con dân tộc Mông đã yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.

Trang phục đồng bào Mông: Trang phục người Mông khá đa dạng, tùy từng ngành mông khác nhau, chủ yếu bằng vải lanh tự dệt. Y phục phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực thêu hoa văn ở cánh tay, váy thêu hoa văn khá tinh xảo, tà váy xếp nếp xòe rộng. Nhà ở, là nhà trệt, ba gian, thưng ván, lợp mái tranh hoặc ngói.

Nhạc cụ của dân tộc Mông khá đa rạng, nhưng phổ biến nhất là khèn và đàn môi. Lễ hội truyền thống: Hội gầu tào, hội sải sán (hội xuân), hội “ăn rừng cấm” …

Người Mông ở Sông Mã, Sơn La có truyền thống ăn tết độc lập. vào dịp mùng 02 tháng 09 đồng bào Mông vui tết, tổ chức và tham gia các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như ném pao, đánh quay, múa khèn…. Đây là một phong tục đặc sắc đã được Đảng và chính quyền địa phương khuyến khích duy trì.

Dân tộc Xinh Mun chủ yếu sinh sống ở vùng biên giới Việt – Lào chiếm khoảng 5,92% tỷ lệ dân số toàn huyện và tập trung chủ yếu ở các xã như Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu và Thị trấn.

Xưa kia, người Xinh Mun có tập quán du canh du cư, sống bằng nghề nương rẫy, chủ yếu trồng lúa nương, theo cách chọc lỗ bỏ hạt và dựa nhiều vào sản vật tự nhiên. Người Xinh Mun rất giỏi nghề đan lát mây tre, họ thường đan lát đồ gia dụng để trao đổi vải vóc, quần áo với người Thái và người Lào.

Nhà ở của đồng bào Xinh Mun là nhà sàn, mái hình mai rùa gần giống với nhà sàn của dân tộc Thái, nhưng kiến trúc đơn giản hơn. Về văn hóa văn nghệ, họ thích múa hát vào dịp tết lễ, dịp lên nhà mới. Nam nữ có lối hát đối đáp với nhau rất tự nhiên.

Dân tộc Khơ mú ở Sông Mã, Sơn La chiếm khoảng 2,93% dân số và cư trú ở Chiềng Khoong, Mường Hung, Huổi Một, Chiềng En, Đứa Mòn, Thị trấn... Tiếng Khơ Mú thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me. Đồng bào Khơ Mú sống chủ yếu dựa vào nưỡng rẫy, săn bắt và hái lượm.

Về trang phục: đàn ông Khơ Mú ăn mặc giống người đàn ông Thái đen. Trang phục phụ nữ, phía trước thân áo có trang trí những hàng tiền bạc đó là vẻ riêng mang đậm sắc thái dân tộc.

Dân tộc Khơ Mú tuy đời sống vật chất còn khó khăn, nhưng đời sống tinh thần lại khá phong phú, các loại nhạc cụ như sáo, bộ gõ bằng tre hoặc nứa, kèn môi, tiêu biểu nhất là các vũ điệu dân gian nổi tiếng như múa tơm. xòe, tăng bu, au eo…,

Dân tộc Kháng chiếm khoảng 0,44% dân số toàn huyện và cư trú ở xã Bó Sinh, Sông Mã, Sơn La. Tiếng kháng thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ môn - Khơ me. Trang phục của đồng bào Kháng có nhiều nét giống với người Thái, nhà ở của người Kháng là nhà sàn mái hình mai rùa, ba gian, hai chái.

Đồng bào Kháng có tục thờ ma nhà, hàng năm dân bản tổ chức cúng thần trời, thần đất một lần để các vị thần ban cho con người có sức khỏe tốt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống sung túc. Người Kháng ưa hát dân ca, những làn điệu dân ca thường phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cũng như một số dân tộc khác ở Sơn La, họ biết hát các bài hát, các áng thơ của người Thái.

Ngoài ra trên địa bàn huyện Sông Mã còn có các dân tộc khác cư trú như dân tộc Lào rải rác ở các xã giáp biên giới như Chiềng Khương, Mường Sai, Mường Hung… Dân tộc Mường cư trú ở rải rác ở các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Thị trấn. …

Mỗi một dân tộc ở huyện Sông Mã đều mang một bản sắc văn hóa độc đáo, nhưng tất cả đều có sự giao thoa, hòa quyện với nhau tạo thành bản sắc văn hóa  mang nét đặc trưng riêng có của Sông Mã .Trong thời kỳ hội nhập, cũng như các địa phương khác, bản sắc văn hóa các dân tộc đã bị mai một nhiều. Huyện Sông Mã luôn quan tâm duy trì, phát huy, phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như: tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục truyền thống tốt đẹp, các lễ hội, các môn thể thao dân tộc…Đồng thời thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đồng bào các dân tộc, giúp cho họ dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, xây dựng đời sống văn hóa./.

T/h: Phòng Dân tộc

Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang