Ðại tướng Lê Ðức Anh - Nhà chiến lược quyết đoán, sắc sảo của cách mạng Việt Nam

Ðại tướng NGÔ XUÂN LỊCH,

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng

Đồng chí Ðại tướng Lê Ðức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng là nhà chiến lược quyết đoán, sắc sảo của cách mạng Việt Nam, nhà quân sự tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng.

Cả cuộc đời đồng chí đã cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia. Thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức và những công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với đất nước, Quân đội, nhất là khả năng chỉ huy tác chiến mưu lược, sáng tạo, quyết đoán của người chỉ huy; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành toàn diện đất nước của người lãnh tụ xuất sắc còn in đậm mãi trong tâm khảm đồng bào cả nước và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Sinh ra và lớn lên tại Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong cảnh nước nhà bị thực dân Pháp đô hộ, xâm lược, chứng kiến người dân phải sống cơ cực, lầm than dưới chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Ðức Anh đã sớm có tinh thần yêu nước, tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng: Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang, Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế, các nghiệp đoàn cao-su Lộc Ninh; tham gia đấu tranh, giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ðồng chí được kết nạp Ðảng Cộng sản Ðông Dương năm 18 tuổi, sau đó gia nhập Quân đội, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Ðông Nam Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã cùng với Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ huy quân, dân Nam Bộ trực tiếp đánh Mỹ trên chiến trường B2; tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 9 bám trụ đánh địch bình định lấn chiếm; chỉ huy, chỉ đạo chiến trường miền Ðông Nam Bộ, giải phóng Phước Long; chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam tiến công giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đồng thời có nhiều đề xuất, đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là xây dựng Quân đội nhân dân tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại.

Sau giải phóng miền nam năm 1975, đồng chí Lê Ðức Anh tiếp tục chỉ huy xây dựng các đơn vị Quân đội ở đồng bằng sông Cửu Long và chỉ huy Mặt trận Tây Nam Bộ chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc; chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân, dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng, giúp Bạn thực hiện các biện pháp nhanh chóng ổn định đời sống xã hội, khôi phục sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang, công trình phòng thủ, giữ vững thành quả cách mạng... Thực tiễn chiến tranh đã tôi luyện ý chí và tài năng, giúp đồng chí trưởng thành và có những đóng góp quan trọng trên các cương vị được Ðảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, có nhiều quyết định táo bạo, quyết đoán với tư duy và tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, cùng Bộ Chính trị lãnh đạo, quản lý đất nước giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi nghỉ hưu, đồng chí tham gia Ban Cố vấn, giúp Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù bất kỳ ở cương vị nào, đồng chí Lê Ðức Anh cũng đều nỗ lực, đoàn kết cùng tập thể, lãnh đạo, chỉ huy các chiến dịch, mặt trận, chiến trường và cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng, đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc; luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng là nhà lãnh đạo toàn năng, có tư duy, tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, sắc sảo của đất nước, Quân đội, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

1. Nhà quân sự tài ba, xuất sắc, đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy Hớn Quản, đồng chí Lê Ðức Anh đã thành lập, phát triển các đội vũ trang hoạt động ở vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bến Cát. Chi đội 1 (sau này đổi thành Trung đoàn 301) do đồng chí làm Chính trị viên nổi tiếng đánh giặc giỏi và có kỷ luật dân vận tốt. Với tố chất và khả năng quân sự vượt trội, cuối năm 1948, đồng chí được Xứ ủy Nam kỳ điều động làm Tham mưu trưởng Khu 7 - địa bàn trọng điểm diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa quân và dân ta với quân viễn chinh Pháp và tay sai. Ðây là bước chuyển đổi quan trọng từ cán bộ chính trị sang cán bộ quân sự, đồng chí đảm nhiệm công tác xây dựng lực lượng, tổ chức chiến dịch, nghiên cứu, phát triển cách đánh cấp chiến thuật cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Cơ quan Tham mưu, Lực lượng vũ trang Khu 7 đã tổ chức nhiều chiến dịch, trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Ðiển hình là, khi làm Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Bến Cát, đồng chí đã có nhiều đề xuất và thực hiện cách đánh giao thông kết hợp với công đồn diệt tháp canh, đánh viện binh, tác chiến kết hợp phá hoại, mở rộng căn cứ của ta, làm gián đoạn giao thông của địch. Chiến dịch Bến Cát là một trong hai chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Nam Bộ, làm thay đổi cục diện chiến trường, từ chỗ ta bị động đối phó với những cuộc hành quân, càn quét của địch, sang chủ động tổ chức những trận tiến công quy mô chiến dịch.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Ðức Anh công tác ở Bộ Tổng Tham mưu và đi nghiên cứu quân sự ở nước ngoài; cuối năm 1963, đồng chí trở lại chiến trường miền nam, với cương vị Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền. Quá trình chỉ huy tác chiến, đồng chí đã đề xuất nhiều phương án, cách đánh quan trọng, quyết định đến Chiến thắng Bình Giã, chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ - ngụy; đề xuất di chuyển vị trí Cơ quan Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền bảo đảm an toàn tuyệt đối; trực tiếp chỉ huy lực lượng tại chỗ xây dựng "thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn không có dân", hình thành các "huyện căn cứ", "xã căn cứ", phát huy sức mạnh du kích chiến, kết hợp với lực lượng cơ động chủ lực đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch, đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ - ngụy. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí đã nghiên cứu, nắm chắc tình hình diễn biến cuộc chiến, tham mưu, đề xuất với Trung ương Cục chuyển hướng tiến công và trực tiếp chỉ huy lực lượng tiến công hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát, góp phần phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Giai đoạn 1969 - 1972, trong điều kiện lực lượng và phong trào cách mạng Quân khu 9 giảm sút nghiêm trọng, đồng chí đã cùng tập thể Khu ủy củng cố, khôi phục lại thế, lực, tổ chức tiến công, đẩy lùi địch vào sát thị trấn, thị xã, bước đầu đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Ðặc biệt, sau khi ký Hiệp định Pa-ri (1973), chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh bình định, lấn chiếm vùng giải phóng; mặc dù, chưa có chủ trương của trên về tiến công quân sự, đồng chí đã cùng Khu ủy quyết định và chỉ đạo quân, dân Quân khu 9 chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô cấp quân đoàn của địch vào Chương Thiện, đánh bại 75 lượt tiểu đoàn và dập tắt hoàn toàn kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của chúng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tháng 4-1974, đồng chí Lê Ðức Anh được phong quân hàm vượt cấp từ Ðại tá lên Trung tướng.

Năm 1974, cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền nam, đồng chí đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô 1974 - 1975, chỉ huy các đơn vị tiến công các chi khu: Bù Ðăng, Bù Ðốp, Ðồng Xoài, tiêu diệt toàn bộ địch, giải phóng tỉnh Phước Long. Ðây là trận "Trinh sát chiến lược" làm cơ sở để Trung ương Ðảng hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đảm nhiệm Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn, cùng các hướng khác kết thúc thắng lợi Chiến dịch, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ huy tác chiến trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc khẳng định, đồng chí Lê Ðức Anh là nhà quân sự tài ba, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tư duy quân sự sắc sảo, luôn nhìn xa, thấy trước, dự báo, phán đoán được ý định, hành động của địch, đánh giá chính xác tình hình mọi mặt; từ đó, đề xuất, tham mưu và quyết định những chủ trương, quyết sách phù hợp, khoa học, đúng thời cơ, bảo đảm chắc thắng trong từng chiến dịch, mặt trận, chiến trường, góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.

2. Vị tướng quyết đoán trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia

Sau khi đất nước thống nhất, Ðảng ta chủ trương điều chỉnh lại tổ chức biên chế các đơn vị Quân đội, tập trung làm nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh. Trên cương vị là Tư lệnh Quân khu 9 (gồm Khu 9 và Khu 8 cũ), đồng chí Lê Ðức Anh đã đề xuất tổ chức lại lực lượng: một sư đoàn thường trực, hai sư đoàn xây dựng kinh tế, vừa giảm quân số thường trực, vừa giữ quân số tại ngũ sẵn sàng bổ sung khi có tình huống, được Ðảng ủy Quân khu chấp nhận. Vì thế, khi quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới Tây Nam, Quân khu 9 đã chủ động đối phó, không bị bỏ trống địa bàn. Khi tập đoàn Pôn Pốt gây chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, đồng chí được điều động về làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đồng chí đã chủ động, tích cực chỉ đạo Quân khu 7 giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ngay trên địa bàn Quân khu; đồng thời, chỉ huy lực lượng tại chỗ toàn Mặt trận phối hợp với lực lượng cơ động chiến lược của Bộ ngăn chặn, đánh bật quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và cùng quân, dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp.

Quá trình làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia, trên cương vị là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam, đồng chí Lê Ðức Anh đã tham mưu, đề xuất và quyết định nhiều vấn đề chiến lược quan trọng, thể hiện tính quyết đoán, tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, của nhà chính trị, quân sự. Nổi lên là, việc tổ chức, sử dụng bộ đội và Chuyên gia Việt Nam tập trung cứu đói, cứu đau cho dân, nhanh chóng ổn định xã hội trên đất nước Chùa Tháp, khôi phục lại sản xuất; vận động binh lính Pôn Pốt bỏ hàng ngũ, trở về với gia đình; giúp Bạn xây dựng thực lực cách mạng để tự bảo vệ mình khi Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ rút về nước. Ðồng chí đã chỉ đạo các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia đánh bại các cuộc phản kích và truy quét, làm tan rã một bộ phận lớn tàn quân Pôn Pốt, giữ vững thành quả cách mạng; giúp Bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới "K5" dài 800 km. Trước những khó khăn, thử thách mang tính đặc thù, phức tạp về chính trị trong những tháng, năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Bạn, nhất là thủ đoạn vu khống Quân đội nhân dân Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng chí đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, động viên bộ đội và Chuyên gia nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành nhiệm vụ.

Ðiểm đáng chú ý là, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Ðức Anh, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã cùng quân, dân nước Bạn thực hiện thắng lợi ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Cam-pu-chia được xác định trong Nghị quyết số 39, ngày 15-2-1983 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia: "1. Tiếp tục làm cho quân Pôn Pốt tan rã, suy tàn hơn nữa; 2. Tiếp tục xây dựng thực lực cách mạng Cam-pu-chia mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng, đủ sức đảm nhiệm cuộc đấu tranh thắng lợi với mọi kẻ thù, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước; 3. Bảo đảm đoàn kết liên minh chiến lược, chiến đấu Cam-pu-chia Việt Nam trên một thế vững chắc hơn và mạnh hơn"(1). Ðánh giá sự giúp đỡ của Việt Nam, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Lê Ðức Anh đối với Cam-pu-chia, Thủ tướng Chính phủ Cam-pu-chia Hun Sen nói: "Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, Chính phủ Phnôm Pênh sẽ không tồn tại"(2). Với những thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước, đồng chí Lê Ðức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng (năm 1980).

3. Nhà lãnh đạo, quản lý có tầm tư duy chiến lược, sắc sảo

Từ năm 1987 đến năm 1992, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, đồng chí Lê Ðức Anh đã có những đề xuất sát đúng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề biên giới, nhất là biên giới phía bắc, từ đó định ra chiến lược, sách lược về công tác đối ngoại, có nhiều đóng góp quan trọng trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (1991). Ðồng thời, tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước thực hiện nhiều vấn đề chiến lược, quan trọng về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, như: Ðiều chỉnh lại thế bố trí chiến lược quốc phòng, đưa Quân đoàn 3 đứng chân tại địa bàn Tây Nguyên, tạo môi trường ổn định cho nơi đây phát triển kinh tế; bố trí lại đội hình các quân chủng, binh chủng phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng thủ biển, đảo, trực tiếp nghiên cứu kế hoạch, chỉ đạo các quân khu xây dựng công trình phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc…"(3). Cùng với đó, đồng chí đề xuất giảm quân số, ngân sách quốc phòng trong điều kiện kinh tế đất nước khủng hoảng; đẩy mạnh tăng gia, lao động sản xuất, nâng cao đời sống bộ đội và thực hiện chính sách hậu phương Quân đội; tham mưu với Ðảng, Nhà nước chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới.

Trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992), đồng chí Lê Ðức Anh hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại, nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Về đối nội, đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị dồn hết tâm lực cho việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mới, khai thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nỗ lực chỉ đạo xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác cán bộ, công tác thi đua - khen thưởng, công tác tiếp dân; trong đó, có Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam... Về đối ngoại, đồng chí Lê Ðức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bằng những nỗ lực của hai bên, tháng 7-1995, Việt Nam và Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ; tháng 10-1995, Chủ tịch nước Lê Ðức Anh - nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại New York. Cùng với đó, đồng chí còn có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN (1995); cùng Bộ Chính trị chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác với các nước, tập trung vào lĩnh vực kinh tế, khoa học - công nghệ, nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào xây dựng, phát triển đất nước. Ðồng chí thay mặt Nhà nước và nhân dân đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam, cử 57 đại sứ của nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ký nhiều hiệp ước, hiệp định, nghị định thư giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế.

4. Có năng lực quy tụ lòng dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng tại đồn điền cao-su Lộc Ninh, đồng chí Lê Ðức Anh đã chủ động bắt liên lạc với tổ chức, tuyên truyền hâm nóng, thắp sáng trong công nhân cao-su lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc; tích cực vận động, gây dựng và phát triển phong trào. Khi phong trào ở đồn điền cao-su Lộc Ninh phát triển nhanh, vững, đồng chí đã mở rộng sang các đồn điền lân cận: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch; trực tiếp tổ chức giác ngộ hàng trăm phu cao-su Lộc Ninh, thành lập Chi bộ, tuyển chọn và kết nạp một số công nhân ưu tú vào Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Chi bộ Lộc Ninh khẩn trương gây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nông dân vùng Hớn Quản. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng chí tập hợp được đông đảo công nhân cao-su và đồng bào các dân tộc Hớn Quản, Bù Ðốp khởi nghĩa thành công, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lỵ Bình Phước đêm 24, rạng sáng ngày 25-8-1945. Như vậy, ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng đồng chí đã vượt qua để quy tụ, tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở địa phương.

Sau này, mặc dù, trên cương vị cán bộ chiến lược, đồng chí luôn xông xáo, không ngại hiểm nguy, có mặt ở những nơi khó khăn để kịp thời động viên, chỉ đạo bộ đội, nhân dân tìm cách giải quyết. Trong chiến đấu và công việc, đồng chí rất quyết đoán, thẳng thắn và nghiêm khắc, nhưng trong sinh hoạt đời thường, đồng chí luôn thương yêu, quan tâm, chăm lo và sẵn sàng chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước; đặc biệt quan tâm, động viên và chỉ đạo giải quyết tốt các chính sách đối với cựu chiến binh và người có công với cách mạng. Ðáng chú ý là, đồng chí dành nhiều thời gian đến các đơn vị, địa phương nắm tình hình thực tế, qua đó thấy rõ những thuận lợi cần khai thác, khó khăn cần tháo gỡ; đồng thời, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội, nhân dân, trên cơ sở đó đưa ra các chủ trương, quyết sách sát đúng, phù hợp với thực tiễn. Ðồng chí thường xuyên, nhắc nhở lãnh đạo địa phương: "Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân"(4). Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải có giải pháp thiết thực để bảo đảm các điều kiện phát triển sản xuất, bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Việc đồng chí cùng Bộ Chính trị nỗ lực, quyết tâm cao nhất, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và những việc làm toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức vì nhân dân, vì đất nước đã quy tụ được lòng dân và phát huy sức mạnh toàn dân tộc thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Ðại tướng Lê Ðức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Ðảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðồng chí Ðại tướng Lê Ðức Anh xứng đáng là nhà chiến lược quyết đoán, sắc sảo trên mọi lĩnh vực - tấm gương về người chỉ huy quân sự tài ba; lãnh tụ chính trị tầm cỡ; người lãnh đạo, quản lý, xây dựng đất nước vừa có tâm, vừa có tầm của quốc gia, dân tộc.

------------------------------

(1) Ðại tướng Lê Ðức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb CTQG, Hà Nội 2015, tr.286.

(2) Ðại tướng Lê Ðức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb CTQG, Hà Nội 2015, tr.296.

(3) Ðại tướng Lê Ðức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb CTQG, Hà Nội 2007, tr.80.

(4) Ðại tướng Lê Ðức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb CTQG, Hà Nội 2015, tr.337.

 
Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang