Chủ động phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp là môi trường thuận lợi để các loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển mạnh. Để bảo vệ diện tích cây trồng vụ đông xuân phát triển tốt, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ hiệu quả.



Người dân xã Hát Lót (Mai Sơn) phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây xoài.

 

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông xuân năm 2019-2020, toàn tỉnh gieo cấy 10.482 ha lúa đông xuân. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được trên 500 ha ngô, 3.645 ha rau các loại. Đồng thời, tập trung chăm sóc 15.188 ha xoài, gần 5.000 ha chuối, trên 130 ha thanh long, trên 2.200 ha bưởi, 1.805 ha cam, 17.840 ha cà phê, gần 5.500 ha chè... Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên cây trồng vụ đông xuân đã xuất hiện một số loại sâu bệnh. Đối với cây lúa, hiện đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái, trên một số cánh đồng đã xuất hiện bệnh rầy lưng trắng, rầy nâu (mật độ 120 con/m²), ốc bươu vàng (0,2 con/m²), đạo ôn, nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, bệnh bạc lá... với tổng diện tích trên 30 ha, tập trung tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên. Trên cây ngô đã xuất hiện bệnh sâu keo mùa thu trên diện tích 10 ha tại huyện Vân Hồ, Yên Châu, mật độ phổ biến 1,5 con/m². Đối với cây công nghiệp, xuất hiện sâu đục thân mình trắng, bệnh khô cành, chùn ngọn, rệp vảy xanh, vảy nâu và bệnh đốm mắt cua với tổng diện tích 67 ha cà phê tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp và Thành phố. 16 ha chè tại Thuận Châu, Vân Hồ đang bước vào giai đoạn phát triển búp và thu hái, đã phát hiện bị nhiễm nhẹ bệnh dán cao chè, rầy xanh, đốm xám. Trên các loại cây ăn quả, xuất hiện bọ xít, sâu đục gân lá trên cây nhãn; bệnh thán thư, bệnh phấn trắng trên cây xoài...


Để chủ động bảo vệ diện tích cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại. Đã thực hiện công tác phòng trừ sinh vật hại đến ngưỡng gần 300 ha; tập trung theo dõi điều tra tình hình phát sinh gây hại của sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP), thường xuyên chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Cụ thể, đối với cây công nghiệp bị nhiễm sâu bệnh, hướng dẫn nhân dân tỉa cành tạo tán, chăm sóc, làm cỏ, bón phân cân đối tạo điều kiện cho cây phát triển tốt. Đối với các loại sâu bệnh đục thân, khô vằn, đạo ôn trên cây công nghiệp và cây lương thực, xử lý những cây bị héo, gẫy để thu gom tiêu hủy, tránh sâu phát sinh lây lan sang gây hại cho cây khác. Trong trường hợp đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách) và bảo đảm thời gian cách ly.


Huyện Mai Sơn có trên 22.000 ha cây lương thực có hạt, trên 9.500 ha cây công nghiệp và trên 8.600 ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích lúa xuân trên địa bàn hiện đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh, là thời điểm dễ mắc các bệnh đạo ôn, rầy nâu, ốc bươu vàng... Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn các bà con thực hiện các biện pháp phòng trừ, điều tiết nước hợp lý và theo dõi chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại. Cán bộ khuyến nông định kỳ kiểm tra, kịp thời phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là hướng dẫn nông dân phòng trừ sớm khi bệnh chớm xuất hiện, khi ruộng bị nhiễm bệnh ngừng bón phân hóa học, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng; không để ruộng khô hạn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tránh phun thuốc tràn lan. Sau khi phun từ 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu còn thấy vết bệnh cần phun tiếp để tiêu diệt triệt để nguồn bệnh. Bên cạnh đó, qua kiểm tra định kỳ trên một số diện tích, đã phát hiện bệnh sâu đục thân mình trắng, bệnh rệp vảy nâu trên cây cà phê; bệnh thán thư, phấn trắng trên cây xoài.


Chị Nguyễn Thùy Vân, thành viên HTX Thiên Tân, xã Hát Lót (Mai Sơn) chia sẻ: HTX có 15 ha xoài, chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây xoài, định kỳ phun thuốc phòng, trừ theo chu kỳ sinh trưởng của cây đúng hướng dẫn và đúng liều lượng. 3 ngày sau khi phun thuốc, diện tích xoài bị nhiễm bệnh thán thư, bệnh phấn trắng đã giảm rõ rệt.


Trước những biến đổi thời tiết bất thường như hiện nay, biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm cao, nắng nóng đồng thời xuất hiện mưa rào..., là điều kiện lý tưởng để sâu bệnh bùng phát và gây hại trên các cây trồng. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên chủ quan mà phải thường xuyên bám ruộng, bám vườn, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

 

Theo baosonla.org.vn

Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang