"Vua mận" trên cao nguyên Mộc Châu

Trên Cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp- nơi có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng, nổi tiếng, trong đó cây mận hậu đã gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân- có một người được nhiều người gọi bằng cái tên thân mật “Vua mận” để ghi nhận những cống hiến của anh trong việc nghiên cứu, chế biến ra những sản phẩm đặc sản từ quả mận, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu mận Mộc Châu. Anh là Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5.

 

 

Trụ sở của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 tại tiểu khu Chè Đen II, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

 

HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 có trụ sở nằm ngay cạnh quốc lộ 6, thuộc tiểu khu Chè Đen II, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi tôi đến, anh Thịnh đang có đối tác tới bàn công việc kinh doanh. Tranh thủ lúc chờ anh, chúng tôi đi thăm quan một vòng quanh trụ sở chính của HTX, từ khu nghiên cứu, xưởng chế biến các sản phẩm mận đến khu vực trưng bày các sản phẩm của HTX quy mô, hiện đại, vượt xa tưởng tượng ban đầu của chúng tôi. Xong việc với đối tác, anh Mai Đức Thịnh, với nước da sạm màu nắng gió, quần jean, áo phông, đội chiếc mũ cao kiểu cao bồi rất ấn tượng, đon đả mời chúng tôi vào phòng khách trò chuyện và thưởng thức một số sản phẩm từ mận của HTX.

 

Sinh năm 1976 ở Mộc Châu, bố mẹ anh Thịnh có thời gian công tác tại Nông trường quốc doanh Mộc Châu, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh luôn ấp ủ ý tưởng đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản cũng như tạo dựng thương hiệu riêng. Năm 1987, anh đi lao động ở Nga, tại đây anh đã học được các phương pháp sản xuất, kinh doanh của khu vực Đông Âu với hệ thống sản xuất khép kín, tưới ẩm chìm, sản phẩm được đóng gói, bảo quản đúng quy định, có mã vạch, lô-gô bản quyền đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến năm 1996, với những kinh nghiệm tích lũy được sau thời gian ở nước ngoài, anh quyết định trở về quê hương nơi mình sinh ra để lập nghiệp.

 

 

Anh Mai Đức Thịnh cùng đơn vị tư vấn thiết kê mẫu bao bì sản phẩm rượu mận Mộc Châu

 

Nhắc đến cây mận, anh Thịnh nhớ lại những năm đầu thập kỷ 90 trở về trước, cây mận hậu trên đất Mộc Châu đã có một thời hoàng kim, diện tích lên tới hàng ngàn ha với sản lượng mận mỗi vụ lên tới 40.000 - 45.000 tấn. Nhưng đến cuối thập kỷ 90, mận rơi vào khủng hoảng thừa khi sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, lưu thông yếu, bán không ai mua, giá chỉ 500 đồng/kg quả. Giọng trầm xuống, anh Thịnh bảo: Thời điểm đó, bà con phải mang mận đổ đi thành đống cho đỡ chua đất vườn, thấy xót xa quá, tôi đứng ra thu mua mận rồi đem đi bán tại các thị trường ngoại tỉnh nhưng không xuể và đến đâu cũng bị các tư thương sở tại ép giá, có lúc phải đổ cả xe ôtô mận vì không để được lâu. Không đành lòng nhìn loại cây trồng lâu năm và có tiếng của địa phương đứng trước nguy cơ bị chặt bỏ, năm 2000, tôi vận động các hộ dân khác thành lập HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 với 7 thành viên, mục tiêu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển cây mận.

 

 

Sản phẩm mận sấy mật ong của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5.

 

Năm 2003, sau nhiều đêm trăn trở để tìm đầu ra cho quả mận, tham vấn thêm ý kiến của các nhà khoa học, tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nhiều nơi, anh Thịnh quyết định thử nghiệm chế biến quả mận thành sản phẩm rượu mận. Khi đó, cả tuần lễ anh ăn ngủ tại xưởng để theo dõi, thử nghiệm, quyết tìm ra công thức chế biến rượu mận. Trước hết, thử nghiệm với quy mô nhỏ, việc ủ lên men thực hiện với chỉ vài kilogam mận và cho kết quả thành công. Thấy vậy, anh quyết định đầu tư kinh phí để mua túi nilon đưa cho các hộ trồng mận thu hái và đóng mận thành từng túi khoảng 40 – 50 kg, sau đó buộc kín miệng túi và vận chuyển tập kết về kho để chờ mận lên men. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm, cho mận đóng đầy bao, khi lên men khiến các bao mận đầy khí và bục vỡ, vậy là cả kho 5.000 m2 chứa 200 tấn mận bị hỏng, dịch mận chảy lênh láng, thiệt hại về kinh tế không nhỏ.

 

 

Anh Mai Đức Thịnh kiểm tra chất lượng rượu mận của HTX.

 

Khó khăn không lùi bước, anh tiếp tục đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật chế biến rượu mận, năm 2004, mẻ rượu mận đầu tiên được anh Thịnh trưng cất thành công. Tiếp đó, năm 2005, có chuyên gia người Pháp làm việc tại Công ty cổ phần sữa Mộc Châu tình cờ đi ngang qua HTX, thấy anh Thịnh miệt mài với đánh vật với các thùng mận đã ghé vào trò chuyện và giới thiệu câu chuyện về ý tưởng sản xuất rượu mận của anh Thịnh với Tổ chức Asodia, vùng Midi - pyrene (Pháp) để hỗ trợ trong việc mua thiết bị chuyên trưng cất rượu hoa quả của Pháp và đưa chuyên gia sang giúp về kỹ thuật chế biến. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đặc cách cho anh Thịnh thực hiện Dự án khoa học công nghệ sản xuất rượu mận. Anh được đặc cách vì theo quy định, chủ nhiệm đề tài, dự án khoa học công nghệ phải là người có trình độ đại học chuyên ngành tương ứng trở lên, còn anh, mới có trình độ học vấn trung học phổ thông, nhưng điều quan trọng nhất, là thấy ở anh sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu và tính khả thi để tìm ra hướng đi mới cho quả mận.

 

 

Anh Mai Đức Thịnh (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm sản xuất rượu mận với tổ chức Asodia (Pháp). 

 

Niềm vui đến, khi kết quả của Dự án do anh Thịnh làm Chủ nhiệm đã thành công ngoài mong đợi. Dự án nghiên cứu được nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng; công nghệ ủ lên nhiệt và lên men tĩnh được hoàn thiện thêm một bước... Rượu được chưng cất bằng công nghệ truyền thống của vùng Midi - pyrene (Pháp) cho ra sản phẩm chất lượng, giữ được hương vị đặc trưng, rượu sau khi chưng cất được lọc qua tháp hiệu chỉnh nên tuyệt đối sạch, nồng độ, hương vị và kiểu dáng bình đựng được điều chỉnh theo ý kiến của khách hàng. Niềm vui nhân đôi khi sản phẩm rượu mận của HTX được Phòng thí nghiệm thuộc Viện Hóa học công nghiệp (Hà Nội) kiểm tra, đánh giá và xác nhận rượu đã được lọc sạch andehit, kim loại nặng và các chất độc hại khác. Sở Y tế Sơn La xác nhận rượu đạt các chỉ tiêu chất lượng theo TCVN. Sản phẩm rượu mận Mộc Châu đã được tham gia trưng bày, triển lãm tại nhiều Hội chợ trong và ngoài tỉnh; được tặng Huy chương vàng (2006) và Cúp vàng (2007) vì sức khoẻ cộng đồng và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và cấp mã số mã vạch. Khi sản phẩm rượu mận của HTX mang sang Pháp giới thiệu, được khách hàng Pháp và Tổ chức Asodia đánh giá chất lượng ngang với rượu mận Pháp. Anh Thịnh được Tổ chức Asodia mời sang Pháp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất rượu mận. Đặc biệt, HTX đã được đồng ý cho sử dụng logo của vùng sản xuất rượu nổi tiếng của Pháp là Midi - pyrene để in trên nhãn sản phẩm rượu của HTX và được trưng bày giới thiệu tại quầy hàng tầng 2 của Tháp Eiffel nổi tiếng. Hiện, các sản phẩm chế biến từ mận của HTX đã được bán ra thị trường các nước: Nhật, Anh, Trung Quốc, Mỹ…

 

 

Anh Thịnh giới thiệu sản phẩm mận sấy của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5.

 

Tiếp nối thành công từ việc sản xuất rượu mận, anh Thịnh đã nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ quả mận, như: Mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược. Các sản phẩm mận sấy sử dụng 100% các nguyên liệu tại địa phương, quá trình chế biến không sử dụng các chất bảo quản, chất phụ gia nên giữ được hương vị tự nhiên của quả mận hòa quyện với vị ngọt mật ong, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

 

Hiện, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 có vùng mận nguyên liệu 100 ha, năng lực chế biến quả mận đạt từ 800 – 1.000 tấn quả/năm. HTX có 55 thành viên, trên 300 hộ nông dân sản xuất hợp đồng theo thời vụ; vốn cố định và lưu động trên 27 tỷ đồng, doanh thu HTX trung bình đạt 10 tỷ đồng/năm. Xưởng chế biến mận của HTX duy trì 24 công nhân làm việc, với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2019 vừa qua, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 hoàn thành Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm mận chín sớm tại Mộc Châu Sơn La”sau hơn 2 năm triển khai thực hiện. Cũng trong năm 2019, HTX có 6 sản phẩm tham gia và đạt được chứng nhận OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, gồm: Mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược và 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Rượu mận, rượu mơ, rượu trưởng bản. Nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến mận và nhiều loại cây trồng, rau màu ở Mộc Châu và Vân Hồ, HTX vinh dự được công nhận là 1 trong 12 doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Sơn La. Những đóng góp của anh Thịnh cho sự phát triển của HTX cũng như nông nghiệp của Mộc Châu đã được ghi nhận với những tấm Bằng khen Giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện Mộc Châu.

 

 

HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 phát triển trồng rau hữu cơ kết hợp thảo dược.

 

Cuốn hút chúng tôi trong những câu chuyện về rượu mận, các sản phẩm về mận đến quên cả thời gian, chúng tôi ra về khi trời đã nhá nhem, anh Thịnh vẫn tiếp tục công việc kiểm tra lô mận nguyên liệu vừa được thành viên HTX thu hái về để đảm bảo chất lượng, kịp thời gian đưa vào chế biến. Tin rằng, dưới sự chèo lái của "Thuyền trưởng" Mai Đức Thịnh, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 sẽ ngày càng phát triển, đưa các sản phẩm của địa phương vươn ra thị trường thế giới.

 

Theo baosonla.org.vn

Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang