OCOP - tạo thương hiệu sản phẩm cho từng vùng

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một chủ trương lớn đang được các địa phương trong toàn quốc triển khai. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Hiểu về OCOP

Chương trình OCOP có thể nói là không mới trên thế giới. Trước đây, đã có chương trình “Làng mới” của Hàn Quốc, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Nhật Bản... cũng có nhiều nội dung tương tự. Nhưng, những chương trình này thường bao hàm nhiều nội dung phát triển ở nông thôn, từ hạ tầng, cơ sở sản xuất, vai trò chủ thể của người dân... Sau này, Thái Lan được coi là quốc gia thành công nhất khi hình thành được 72.000 sản phẩm với nhiều kênh phân phối hiệu quả sau 16 năm triển khai chương trình.



Sản phẩm long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng trưng bày tại gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP

và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.


Tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong triển khai Chương trình OCOP được xây dựng và triển khai thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan. Chương trình dựa trên việc phát huy sự sáng tạo của người dân từ nền tảng gốc là những sản phẩm mang thế mạnh ở địa phương, từ đó tạo ra những sản phẩm mới. Sau 6 năm triển khai, đến nay, tổng số sản phẩm trong chu trình OCOP của Quảng Ninh là 421 sản phẩm tới từ 167 tổ chức OCOP (bao gồm doạnh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ kinh doanh cá thể). Các sản phẩm có đủ mặt ở 6/6 lĩnh vực ngành hàng đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tin dùng.


Từ mô hình rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua, vào tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.


Tính đến hết tháng 7/2019, cả nước đã có 269 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa chất lượng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên cấp quốc gia, trong đó có 7 sản phẩm 5 sao, 100 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh có 138 sản phẩm (7 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao); tỉnh Bến Tre có 45 sản phẩm (31 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao); tỉnh Bắc Kạn có 37 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao); tỉnh Quảng Nam có 25 sản phẩm (5 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm 3 sao); tỉnh Nam Định có 14 sản phẩm (2 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao); tỉnh Lào Cai có 10 sản phẩm (1 sản phẩm 4 sao, 9 sản phẩm 3 sao).

 

OCOP ở Sơn La

Tại tỉnh ta, chương trình OCOP đã được tập trung triển khai với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai chương trình OCOP, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.


Với điều kiện thuận lợi, tỉnh ta đang có khá nhiều sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền. Toàn tỉnh hiện có gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Chính vì vậy Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” có ý nghĩa rất lớn, được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh, bao gồm cả khu vực nông thôn và khu vực đô thị (phường, thị trấn). Việc thực hiện Đề án OCOP tuân thủ theo 3 nguyên tắc: Hành động địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, tỉnh ta đã tổ chức các hội nghị triển khai OCOP từ cấp tỉnh đế cấp huyện, thành phố. Tại huyện Mai Sơn và Mộc Châu đã triển khai hội nghị tập huấn về đăng ký sản phẩm, ý tưởng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã tổ chức tham gia gian hàng tại Hội chợ tỉnh Vĩnh Phúc, Hội chợ và Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và Hội chợ quốc tế OCOP tại thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng phát triển OCOP tại Hội nghị tổng kết các tỉnh miền núi phía Bắc tại Hòa Bình, tham gia Festival OCOP tại Nam Định và Hội chợ OCOP Hải Dương. Đồng thời phối hợp tuyên truyền về chương trình OCOP Sơn La trên các phương tiện thông tin đại chúng về Đề án và giới thiệu 20 sản phẩm làm điểm của các địa phương trong tỉnh.

 

Thịt trâu hun khói - sản phẩm OCOP của Thành phố.

Năm 2019, tỉnh Sơn La phê duyệt danh mục sản phẩm chỉ đạo làm điểm Chương trình OCOP với 20 sản phẩm, gồm: cá tép dầu khô Sông Đà (Quỳnh Nhai), măng trúc muối ớt Háng Đồng, dược liệu Háng Đồng, trà xanh mây (Bắc Yên), gạo nếp tan Mường Và (Sốp Cộp), xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo (Yên Châu), mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược (Mộc Châu), hồng giòn sấy dẻo (Vân Hồ), long nhãn sấy khô (Sông Mã), tỏi Phù Yên, tỏi đen (Phù Yên), thịt trâu hun khói, cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê, mật ong Sơn La (thành phố Sơn La), chè Phổng Lái (Thuận Châu), tinh dầu xả (Mường La), long nhãn (Mai Sơn).


Phấn đấu đến năm 2030, có 100% các xã đăng ký và thực hiện mỗi xã một sản phẩm. Tư vấn, hỗ trợ tái cơ cấu bộ máy ít nhất 80 - 85 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, phát triển được ít nhất 150 - 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 100 - 120 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao cấp tỉnh, 20 - 25 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao cấp quốc gia.


Sản phẩm long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng.


Chương trình OCOP sẽ là cơ hội phát triển các thương hiệu sản phẩm của mỗi địa phương trong tỉnh, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn trong giai đọan hội nhập và phát triển.

 

Các sản phẩm của Sơn La

Nhóm sản phẩm thực phẩm: Nông sản tươi sống: rau (rau củ sạch các loại, rau trái vụ...), quả tươi (nhãn, xoài, cam, quýt, mận, đào, chuối, chanh leo...), mật ong; sản phẩm thô và sơ chế để chế biến các sản phẩm như: gạo (gạo nếp tan Mường Và, Mường Chanh, Ngọc Chiến...), thịt tươi, thủy sản tươi; đồ chế biến từ rau, củ, quả (chuối sấy, chuối dẻo, mứt hoa quả, long nhãn...), đồ chế biến từ thịt, các, thủy sản (giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, nước mắm, cá tôm khô...)

Nhóm sản phẩm đồ uống: Đồ uống có cồn (rượu mận Mộc Châu, rượu chuối Yên Châu, rượu sơn tra Bắc Yên, rượu ngô...), đồ uống không cồn: chè (chè Shan tuyết Mộc Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên, chè Shan tuyết Phổng Lái...), cà phê, nước ép hoa quả các loại...

Nhóm sản phẩm thảo dược: Gồm các sản phẩm được chế biến từ cây dược liệu: nấm linh chi, thuốc nam, mỹ phẩm từ chanh leo, tinh dầu sả, tinh dầu dừa, tinh dầu từ cây mùi... tại Bắc Yên, Vân Hồ, Mường La, Quỳnh Nhai...

Nhóm vải và may mặc có dệt thổ cẩm, trang phục các dân tộc Thái đen, Thái trắng, Mông, Khơ mú, Dao.

Nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí: Gồm các sản phẩm hoa kiểng các loại, mây tre đan các loại, đệm bông gạo...

Nhóm sản phẩm du lịch nông thôn: Dịch vụ du lịch tâm linh, dịch vụ du lịch sinh thái vườn, du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La...


Theo baosonla.gov.vn

Tin tức

      

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

 

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
 CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND HUYỆN SÔNG MÃ
Chịu trách nhiệm nội dung:Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử UBND huyện Sông Mã.
Địa chỉ: Tổ 5, Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Điện thoại: 0212.3836.146 - Số Fax: 022.3836.284
Email: banbientap.songma@sonla.gov.vn - Website: http://songma.sonla.gov.vn.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang